Tên lửa hạt nhân lớn nhất thế giới của Nga

16/10/2017 07:59 GMT+7

Nga chuẩn bị phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa mới mang tên RS-28 Sarmat, được cho là có khả năng tiêu diệt mọi mục tiêu trên trái đất.

Theo Sputnik, tên lửa RS-28 Sarmat - phương Tây gọi bằng cái tên đáng sợ là Satan-2 - vừa hoàn tất quy trình kiểm tra thử nghiệm tại nhà máy và sẵn sàng được đưa vào phóng thử lần đầu tiên, sớm nhất là trong tháng 10. Dự kiến cuộc thử nghiệm sẽ diễn ra tại căn cứ quân sự Plesetsk, tây bắc nước Nga. Được phát triển từ năm 2011, đây là một trong những dự án chủ lực để xây dựng chiến lược hạt nhân mới của Nga nhằm ứng phó chiến lược “Tấn công nhanh toàn cầu” do Mỹ đề ra.
Với trọng lượng lên tới 100 tấn, khi chính thức được đưa vào biên chế để thay thế loại tên lửa R-36M Voevoda, RS-28 Sarmat sẽ trở thành tên lửa liên lục địa (ICBM) lớn nhất thế giới. Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm tên lửa có thể mang cùng lúc 10 đầu đạn hạt nhân hạng nặng hoặc 16 đầu đạn loại nhẹ hơn với tổng trọng lượng tối đa 10 tấn. Nhờ công nghệ dẫn đường độc lập đa phân hướng (MIRV), các đầu đạn sau khi được phóng đi sẽ tự tách ra để né tránh tên lửa đánh chặn và phá hủy cùng lúc nhiều mục tiêu. Theo thiết kế, RS-28 Sarmat có sức công phá đến 40 megaton, gấp 2.000 lần các quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Nhật Bản trong Thế chiến 2.
Tuy là tên lửa siêu nặng nhưng RS-28 Sarmat rất cơ động với tốc độ được cho là lên đến hơn Mach 20 (gấp 20 lần tốc độ âm thanh, tức khoảng 24.500 km/giờ). Tên lửa có thể được bắn từ hầm phóng cố định (silo) hoặc bệ phóng di động, tầm bắn hơn 10.000 km, có thể đạt tối đa khoảng 16.000 km. Đặc biệt, Đài Zvezda TV dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov cho biết tốc độ và tầm bắn nói trên giúp RS-28 Sarmat phóng theo quỹ đạo vòng qua 2 cực của trái đất. Điều này khiến các đối thủ phải triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp không chỉ ở các hướng tiếp giáp với Nga, mà là bao quanh lãnh thổ nước này. Điều này cực kỳ phức tạp và tốn kém mà chưa chắc đã có hiệu quả.
Tương tự, chuyên gia Vladimir Evseev thuộc Trung tâm nghiên cứu xã hội và chính trị Nga nhận định: “Kẻ thù tiềm tàng sẽ không thể ngờ đến nguy cơ hứng đòn tấn công trời giáng từ Nga theo hướng Nam cực. Họ sẽ phải tốn kinh phí và công sức lớn để xây dựng hệ thống phòng thủ mới, song điều này chưa hẳn hiệu quả. Tên lửa mới giúp Nga cảm thấy tự tin hơn trong chính sách quốc phòng và đối ngoại của mình”. Trong khi đó, trang tin Russia Beyond The Headlines dẫn lời cựu Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ Paul Craig Roberts, nay là chuyên gia về quan hệ với Nga, cảnh báo RS-28 Sarmat có sức mạnh đủ để “xóa sạch 3/4 diện tích bang New York trong chớp mắt” hay san bằng những khu vực lãnh thổ có diện tích tương đương nước Pháp hoặc bang Texas.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, RS-28 Sarmat sẽ dần thay thế loại ICBM R-36M Voevoda (NATO gọi là SS-18 Satan), được triển khai hoạt động từ năm 1986. Một khi được đưa vào biên chế (dự kiến cuối năm 2018), tên lửa này sẽ hoạt động ở các căn cứ thuộc vùng đông Siberia gần thành phố Chita nhằm giảm thiểu nguy cơ bị đánh chặn từ biển. Giáo sư Vadim Kozulin tại Học viện Khoa học quân sự Nga dự đoán quân đội sẽ trang bị tổng cộng 154 tên lửa RS-28 Sarmat, bù đắp cho số tên lửa R-36M Voevoda “về hưu” và tiến tới thay thế toàn bộ vào năm 2020.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.