Thái Lan khôi phục chính quyền dân sự

Minh Quang
Minh Quang
07/06/2019 06:30 GMT+7

Trong chính quyền dân sự, Thủ tướng tân cử Prayut Chan-ocha sẽ điều hành nội các không do ông lựa chọn và phải chia sẻ quyền lực với liên minh cầm quyền.

Sáng qua 6.6, như thường lệ sau khi ra khỏi xe, ông Prayut Chan-ocha bước thẳng vào văn phòng làm việc mà không để ý đến đám đông nhà báo chực chờ. Họ đến tòa nhà chính phủ ở Bangkok từ sớm để canh phỏng vấn thủ tướng tân cử sau khi được hơn 500 nghị sĩ quốc hội lưỡng viện Thái Lan bầu lại làm người đứng đầu chính phủ đêm hôm trước. Ông Prayut, dù trong trạng thái thoải mái và vui vẻ, từ chối bình luận về chiến thắng này. Khi được truyền thông phỏng vấn, ông cũng không nhắc gì đến chính phủ liên minh trong chính quyền dân sự sắp tới.
Khác với ông Prayut, ứng viên đối lập Thanathorn Juangroonggruangkit, người chỉ nhận 244 phiếu bầu của quốc hội, ngay khi mới có kết quả đã tổ chức họp báo bên ngoài phòng họp. Ông Thanathorn cho biết thất vọng về quyết định của các nghị sĩ và cảm thấy có lỗi với người dân Thái Lan vì chưa đem lại nền dân chủ thực sự cho nước này. “Trước khi cuộc họp diễn ra, tôi hy vọng đảng Dân chủ và Bhumjaithai sẽ thay đổi ý định, các nghị sĩ sẽ hiểu thấu đáo về chính quyền và tương lai đất nước, ngăn chặn việc duy trì quyền lực của chính quyền quân sự. Tuy nhiên, kết quả bầu chọn khiến tôi thất vọng và cảm thấy có lỗi vì không làm được như đã hứa”, lãnh đạo đảng Future Forward phát biểu.
Future Forward thuộc liên minh chống chính quyền quân sự do Pheu Thai thành lập và ông Thanathorn là ứng viên duy nhất được liên minh này lựa chọn để đối đầu với đương kim Thủ tướng Prayut - vốn được liên minh do đảng Palang Pracharath dẫn đầu hậu thuẫn. Palang Pracharath đã thành công trong việc duy trì quyền lực cho ông Prayut, người đã lãnh đạo cuộc đảo chính năm 2014, đồng thời ngăn sự trở lại của dòng họ Shinawatra của cựu thủ tướng Thaksin và Yingluck đang sống lưu vong ở nước ngoài.
Phe chống đối anh em nhà Shinawatra cho rằng dòng họ này lạm quyền là nguyên nhân dẫn đến xung đột kéo dài ở Thái Lan. Chiến thắng của ông Prayut không gây bất ngờ cho nhiều người vì nằm trong dự đoán trước đó khi phe này chiếm 250 ghế ở Thượng viện và 254 ghế ở Hạ viện trong số 750 ghế ở quốc hội lưỡng viện. Sau đảo chính, Hiến pháp Thái Lan được viết lại dựa trên soạn thảo của chính quyền quân sự, trong đó điều khoản bầu chọn 250 ghế ở Thượng viện thuộc đặc quyền của quân đội.
Trong chính quyền dân sự mới, Thủ tướng tân cử Prayut - từ nhà chiến lược quân sự trở thành nhà chính trị - sẽ điều hành nội các không do ông lựa chọn và phải bỏ hết quyền “sinh sát” mà ông từng có của người đứng đầu chính quyền quân sự. Nội các của ông sẽ phải chia sẻ quyền lực cho hai đảng Dân chủ và Bhumjaithai mà Palang Pracharath từng hứa hẹn khi lôi kéo tham gia liên minh để phe này có số ghế vượt quá bán ở
Hạ viện. Ngoài bộ quốc phòng, ngoại giao, tài chính và nội vụ, ghế bộ trưởng của các bộ còn lại sẽ được chia cho hai đảng Dân chủ và Bhumjaithai. “Thái Lan rồi sẽ khác so với 5 năm qua. Trong chính quyền quân sự, ông ấy (Thủ tướng Prayut - NV) nắm mọi quyền lực trong tay. Giờ đây, sau bầu cử, ông ấy buộc phải chia sẻ quyền lực đó trong liên minh”, Purawich Watanasukh, nhà nghiên cứu thuộc Viện King Prajadhipok, nhận định.
Pheu Thai chưa đưa ra bình luận về việc Thủ tướng Prayut được bầu lại. Trên tài khoản mạng xã hội cá nhân của ông Thaksin và bà Yingluck cũng chưa thấy dòng trạng thái mới ngoài lời chúc mừng sinh nhật hoàng hậu Suthida hồi 3.6. Trong khi đó, những bày tỏ thất vọng với kết quả bầu thủ tướng trở thành chủ đề nóng trên mạng hôm qua ở Thái Lan. Thị trường chứng khoán Thái Lan đón nhận sự kiện này với chỉ số xanh ở hai sàn chính. Phó thủ tướng Wisanu Krea-ngam cho biết chính phủ liên minh dự kiến sẽ sớm được thành lập trong tháng này, sau khi vua Maha Vajiralongkorn chuẩn y thủ tướng tân cử và nội các mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.