Thảm nạn máy bay Nga rơi ở Ai Cập: Nghi vấn buồng lái bị phá hoại

05/11/2015 08:04 GMT+7

Giới chức Ai Cập đã mở hướng điều tra mới về khả năng có người đột nhập phá hoại trong vụ máy bay Nga rơi tại bán đảo Sinai.

Giới chức Ai Cập đã mở hướng điều tra mới về khả năng có người đột nhập phá hoại trong vụ máy bay Nga rơi tại bán đảo Sinai.

Các chuyên gia đang nỗ lực phân tích hộp đen máy bay của chiếc Airbus A321-200 - Ảnh: AFPCác chuyên gia đang nỗ lực phân tích hộp đen máy bay của chiếc Airbus A321-200 - Ảnh: AFP
Để giải mã những giây phút cuối của chiếc Airbus A321-200 số hiệu KGL-9268 thuộc Hãng hàng không Kogalymavia (Nga) trước khi rơi ngày 31.10, khiến toàn bộ 224 người trên khoang tử nạn, giới điều tra đang tập trung vào 2 giả thuyết: máy bay bị đặt bom hoặc phá hoại và thứ hai là có sự cố kỹ thuật nghiêm trọng.
NBC News ngày 4.11 dẫn nguồn tin cấp cao cho hay lực lượng điều tra Ai Cập hiện đang tập trung tìm hiểu về những người đã lên máy bay trước khi cất cánh. Trong đó bao gồm các nhân viên của nhà thầu cung cấp thực phẩm cho hãng hàng không, nhân viên vệ sinh cũng như những người được phép có mặt ở phòng khởi hành và dễ dàng tiếp cận máy bay.
Do tình báo Mỹ đã khẳng định không có hành khách hoặc thành viên phi hành đoàn nào có tên trong dữ liệu theo dõi khủng bố của nước này nên nếu xảy ra khủng bố thì phải có kẻ phá hoại hoặc đặt bom từ trước.
Hướng điều tra mới được đưa ra sau khi có nhiều dữ liệu cho thấy tổ lái có thể đã đột ngột mất quyền điều khiển máy bay do tác động nào đó.
Theo Interfax, hộp đen trong buồng lái đã ghi lại nhiều âm thanh hỗn loạn vào những giây phút cuối cùng của chuyến bay. “Bản ghi âm cho thấy một tình huống đột ngột xảy ra, gây bất ngờ cho phi hành đoàn và khiến phi công thậm chí không kịp gửi tín hiệu cầu cứu”, nguồn tin từ Moscow nói với Interfax. Tương tự, Sputnik dẫn lời cựu kỹ sư Todd Curtis của Boeing nhận định phi công đã mất kiểm soát hoàn toàn khi các dữ liệu thô từ Hãng FlightRadar24, chuyên theo dõi hành trình của các máy bay trên thế giới, cho thấy chiếc A321-200 đã rơi với tốc độ lên đến 483 km/giờ.
Trong khi đó, các bên tiếp tục bác bỏ đồn đoán máy bay bị tên lửa bắn rơi. CNN dẫn lời giới chức Mỹ cho biết vệ tinh hồng ngoại của nước này thu được hình ảnh của một vệt sáng nhiệt lóe lên tại Sinai vào thời điểm máy bay rơi nhưng nó không chuyển động như kiểu của tên lửa. Thay vào đó, đây có thể là dấu hiệu của một vụ nổ.
Mặt khác, những ý kiến nghiêng về sự cố kỹ thuật thì tập trung vào đuôi máy bay, vốn được phát hiện cách xa những mảnh vỡ khác tới 5 km, theo CNN. Hồi năm 2001, phần đuôi chiếc Airbus A321 đã va mạnh với đường băng lúc hạ cánh và hỏng nặng. Hãng hàng không Kogalymavia đến nay vẫn nhấn mạnh phần đuôi đã được sửa chữa an toàn, nhưng các chuyên gia cho biết đuôi máy bay nếu hàn không đúng có thể nứt gãy và dẫn đến thảm họa. Ông Mike Vivian, một chuyên gia phân tích hàng không và an toàn bay tại Anh, nhận định: “Với môi trường điều áp như khoang máy bay thì việc xuất hiện vết nứt sẽ rất nghiêm trọng, có thể khiến máy bay rơi”.
Rơi máy bay tại Nam Sudan, 41 người chết
Ngày 4.11, một máy bay vận tải Antonov AN-12 do Nga sản xuất đã rơi xuống một đảo nhỏ trên sông White Nile sau khi vừa cất cánh tại sân bay ở thủ đô Juba của Nam Sudan, khiến ít nhất 41 người trên máy bay lẫn dưới mặt đất thiệt mạng. Reuters dẫn lời phát ngôn viên Ateny Wek Ateny của Phủ Tổng thống Nam Sudan cho biết đến nay chỉ mới xác định có một thành viên phi hành đoàn và một đứa trẻ may mắn thoát chết.
Hiện trường máy bay rơi tại Nam Sudan ngày 4.11 - Ảnh: AFP
                     Hiện trường máy bay rơi tại Nam Sudan ngày 4.11 - Ảnh: AFP
Cũng theo ông Ateny, máy bay chở khoảng 20 người, bao gồm phi hành đoàn và từ 10 - 15 hành khách. Chưa có con số chính xác về số người dưới mặt đất thiệt mạng. Hình ảnh trên truyền hình cho thấy xác máy bay vỡ nát nằm giữa một khu vực rừng cây rậm rạp với các mảnh vỡ vương vãi khắp nơi.
Ngoài ra, truyền thông địa phương loan tin toàn bộ thành viên phi hành đoàn là người Nga. AFP dẫn lời đại diện phái bộ ngoại giao Nga tại Uganda kiêm phụ trách Nam Sudan cho biết đang phối hợp với giới chức sở tại để làm rõ các thông tin. Nguyên nhân vụ việc đang được điều tra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.