Thảm sát Srebrenica, trang sử đen tối của châu Âu

12/07/2015 10:15 GMT+7

Đã qua 20 năm nhưng vụ thảm sát kinh hoàng tại thị trấn Srebrenica, phía đông Bosnia & Herzegovina, vẫn còn nhiều “vùng tối” đang dần được giải mật.

Đã qua 20 năm nhưng vụ thảm sát kinh hoàng tại thị trấn Srebrenica, phía đông Bosnia & Herzegovina, vẫn còn nhiều “vùng tối” đang dần được giải mật.

Thân nhân của một nạn nhân vụ thảm sát Srebrenica viếng mộ người thân tại Trung tâm tưởng niệm Potocari ngày 11.7 - Ảnh: AFPThân nhân của một nạn nhân vụ thảm sát Srebrenica viếng mộ người thân tại Trung tâm tưởng niệm Potocari ngày 11.7 - Ảnh: AFP
Với vẻ bề ngoài thanh bình của một thị trấn nhỏ được sông núi bao quanh nhưng cách đây 20 năm, ngày 11.7.1995, Srebrenica từng là một “địa ngục” thật sự.
Theo tờ Le Temps, chỉ trong vòng vài ngày, 8.372 nam giới người Hồi giáo từ 12 - 60 tuổi đã bị thảm sát bởi lực lượng quân sự của người Serbia tại Bosnia do tướng Ratko Mladic chỉ huy.
Ông Mladic cùng nhiều sĩ quan quân đội, chính trị gia có liên quan đã và đang bị xét xử; nhưng trên thực tế, nhiều sự thật về vụ Srebrenica vẫn chưa được công bố hoặc chưa được công nhận.
“Vùng bảo vệ” của Liên Hiệp Quốc
Vụ thảm sát diễn ra khi Srebrenica cùng một số khu dân cư người Hồi giáo như Gorazde, Zepa được Liên Hiệp Quốc lập “vùng bảo vệ” trong lúc cuộc chiến Bosnia (1992 - 1995) vẫn đang diễn biến rất phức tạp.
Srebrenica thường xuyên bị pháo kích, cư dân thị trấn này phải sống giữa nỗi lo sợ bom đạn và thiếu thốn nghiêm trọng về mọi mặt. Các chuyến xe cứu trợ liên tục bị lực lượng quân sự của người Serbia tại Bosnia phá hủy hoặc chặn lại để tịch thu hàng hóa. Để tránh một thảm họa nhân đạo, Liên Hiệp Quốc thiết lập một “vùng bảo vệ” tại Srebrenica và các lính mũ nồi xanh được phép “đảm bảo an toàn bằng mọi biện pháp cần thiết, kể cả bằng vũ lực”, theo tờ Le Temps. Chịu trách nhiệm bảo vệ cho Srebrenica là lực lượng gìn giữ hòa bình của Hà Lan (Dutchbat), với sự hỗ trợ từ các máy bay chiến đấu của NATO.
Vì sao vụ thảm sát nghiêm trọng nhất tại châu Âu kể từ sau Thế chiến thứ 2 lại có thể diễn ra ngay “trước mũi” Liên Hiệp Quốc và các lực lượng quân sự phương Tây? Ban đầu, vụ Srebrenica chỉ được xem là một “sai lầm” về chiến thuật và nhận định, nhưng nhiều lời kể của các nhân chứng cùng các tài liệu của Mỹ và Liên Hiệp Quốc được giải mật gần đây đã cho thấy thực tế hoàn toàn không đơn giản như thế.
Theo Đài truyền hình France 24, cuối tháng 5.1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã hội đàm qua điện thoại với người đồng cấp Pháp Jacques Chirac và Thủ tướng Anh John Major để thảo luận về việc nhiều lính mũ nồi xanh bị lực lượng của tướng Mladic bắt làm con tin để trả đũa đợt không kích trước đó của NATO. Kết quả cuộc hội đàm là NATO đã tạm ngưng không kích, một yếu tố rất quan trọng để hơn 1 tháng sau đó, ông Mladic “rộng đường” tiến về Srebrenica.
“Nhắm mắt bịt tai”
Ngoài lý do bảo đảm an toàn cho con tin, các nước phương Tây còn muốn sớm chấm dứt cuộc chiến ở Bosnia & Herzegovina. Nhà ngoại giao Mỹ Robert Frasure khi ấy từng nhận định: Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic sẽ không chấp nhận các đề xuất của thỏa thuận ngừng bắn trừ khi các “vùng bảo vệ” của người Hồi giáo Bosnia được giao cho người Serbia. Le Temps dẫn lời chuyên gia Florence Hartmann phân tích: “Đây thật sự là một bài toán khó cho Mỹ và các đồng minh thân cận”.
Lãnh đạo người Serbia ở Bosnia Radovan Karadzic (phải) và chỉ huy quân sự Ratko Mladic đang bị xét xử tại Tòa án quốc tế về vấn đề Nam Tư cũ - Ảnh: ReutersLãnh đạo người Serbia ở Bosnia, Radovan Karadzic (phải) và chỉ huy quân sự Ratko Mladic đang bị xét xử tại Tòa án quốc tế về vấn đề Nam Tư cũ - Ảnh: Reuters
Sơ tán người Hồi giáo Bosnia ra khỏi Srebrenica không phải là lựa chọn hay vì sẽ bị xem là chấp thuận mục tiêu “thanh lọc sắc tộc” của các “quân đoàn tử thần” người Serbia tại Bosnia. Còn rút lực lượng gìn giữ hòa bình để trực tiếp tham chiến thì quá tốn kém và có nguy cơ bị sa lầy. Do đó, theo bà Hartmann, Washington đã chọn cách “làm ngơ” để lực lượng của ông Mladic dễ dàng chiếm Srebrenica. Và kết quả là một thỏa thuận hòa bình đã được ký vào tháng 12.1995.
Thực tế đã cho thấy, khi các binh sĩ của viên tướng “đồ tể” tiến sát thị trấn này, quan chức Liên Hiệp Quốc phụ trách tình hình Bosnia & Herzegovina khi ấy là Yasushi Akashi “bỗng dưng” bị mất liên lạc. Ngoài ra, do quân số quá “mỏng” và không được trang bị các loại vũ khí hạng nặng, lực lượng lính mũ nồi xanh của Hà Lan đề nghị được NATO yểm trợ nhưng không được đáp lời và phải chọn rút vào khu căn cứ để bảo đảm an toàn, để mặc cho dân Srebrenica bị tàn sát.
Ông Joris Voorhoeve, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan vào thời điểm xảy ra thảm sát, kể lại trên Đài France 24: “Sau này tôi mới biết giữa Anh, Pháp, Mỹ đã ngầm thỏa thuận tạm ngưng không kích mà không thông báo gì với Hà Lan”. Nói cách khác, các nước này đã “bật đèn vàng” để Srebrenica bị tấn công mà giữ im lặng luôn với Amsterdam.
Chuyên gia Hartmann nhận định không thể cho rằng khi quyết định “buông” Srebrenica, các nhà lãnh đạo phương Tây không lường trước được nguy cơ xảy ra thảm sát.
Các cuộc tấn công từ những năm trước đó đã cho thấy lực lượng của ông Mladic bất chấp tính mạng người dân ở thị trấn này, đây cũng là lý do Liên Hiệp Quốc cho lập “vùng an toàn” tại đây từ tháng 4.1993.
Ngoài ra, vào tháng 3.1995, lãnh đạo cộng đồng người Serbia tại Bosnia, Radovan Karadzic từng tuyên bố “sẽ không có hy vọng sống sót cho dân cư Srebrenica”. Mới đây, vị tướng người Hà Lan Onno van der Wind còn xác nhận một thông tin được rò rỉ trước đó: Liên Hiệp Quốc từng cung cấp gần 30.000 lít xăng để lực lượng quân sự người Serbia tại Bosnia cho xe đưa nam giới ở Srebrenica đến các địa điểm hành quyết và cho máy xúc đào hố chôn tập thể.
Tháng 7.2014, một tòa án ở Hà Lan ra phán quyết chính phủ nước này phải chịu trách nhiệm dân sự về cái chết của 300 người ở Srebrenica. Theo tòa, lính mũ nồi xanh Hà Lan đã không bảo vệ các nạn nhân nói trên khi họ đến trốn tại căn cứ quân sự Potocari của Dutchbat vào ngày 13.7.1995.
Tờ Trouw dẫn lời sử gia người Hà Lan Eelco Runia nhận định: “Đồng ý rằng Dutchbat không được vũ trang đủ để đối chọi với quân của tướng Mladic nhưng họ hoàn toàn có thể chặn đường, lập khu phòng thủ để các nạn nhân không bị bắt đi. Ông Mladic rõ ràng đã nhận ra lính mũ nồi xanh Hà Lan không dám phản ứng nên đã tận dụng để truy cùng đuổi tận.
Hơn nữa, sự yếu kém của Dutchbat có thể đã “kích thích” ông này ra tay tàn bạo hơn”. Theo nhiều chuyên gia, những tài liệu được giải mật gần đây cho thấy, trách nhiệm để xảy ra thảm sát hơn 8.000 người chưa hẳn chỉ thuộc về lính mũ nồi xanh Hà Lan.
Đúng 20 năm đã trôi qua nhưng do còn quá nhiều “vùng tối” nên vụ Srebrenica vẫn là chủ đề gây nhiều tranh luận. Tòa án quốc tế về vấn đề Nam Tư cũ (ICTY) đã công nhận đây là một vụ diệt chủng, nhưng đến nay Liên Hiệp Quốc vẫn chưa đưa ra quyết định tương tự. Ngày 8.7, Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc đã trình dự thảo nghị quyết về vấn đề này nhưng vấp phải quyền phủ quyết của Nga, vốn là một đối tác quan trọng của Serbia.
Tưởng niệm nạn nhân Srebrenica
Hôm qua 11.7, Bosnia & Herzegovina đã tổ chức long trọng lễ tưởng niệm 20 năm vụ thảm sát Srebrenica, theo AFP. Khoảng 50.000 người đã đến dự lễ tưởng niệm tại Srebrenica, trong đó có cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Ngoại trưởng EU Federica Mogherini...
136 quan tài có hài cốt những nạn nhân vừa xác định được danh tính qua xét nghiệm ADN đã được cải táng tại khu tưởng niệm được xây dựng gần căn cứ quân sự trước đây của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc. Tính đến nay, hài cốt của 6.241 nạn nhân đã được tìm thấy từ các hố chôn tập thể và được xác định nhân thân.
Trong một diễn biến liên quan, chính phủ Serbia đã không cho phép tổ chức cuộc tuần hành ở thủ đô Belgrade của nước này vào ngày 11.7 để tưởng niệm các nạn nhân Srebrenica. Nhiều tổ chức nhân đạo dự định sẽ tuần hành trước trụ sở quốc hội nhưng phải hủy bỏ vào giờ chót. Bộ trưởng Nội vụ Serbia Nebojsa Stefanovic giải thích: “An toàn của người dân là quan trọng nhất nên chúng tôi không cho phép xảy ra những cảnh hỗn loạn trên đường phố”.
Nhiều nhóm cực hữu đã đe dọa sẽ phá rối cuộc tuần hành nên cảnh sát nước này lo ngại sẽ xảy ra bạo loạn. Tuy nhiên, các nhà tổ chức tuần hành nhận định quyết định nói trên cho thấy chính phủ Serbia vẫn chưa muốn nhìn nhận sự thật của cuộc thảm sát.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.