Bóng ma vụ thảm sát người Armenia

26/04/2015 10:30 GMT+7

Những tranh cãi lịch sử xung quanh vụ thảm sát người Armenia thời Thế chiến 1 lại tiếp tục phủ bóng lên mối quan hệ giữa nước này với Thổ Nhĩ Kỳ.

Những tranh cãi lịch sử xung quanh vụ thảm sát người Armenia thời Thế chiến 1 lại tiếp tục phủ bóng lên mối quan hệ giữa nước này với Thổ Nhĩ Kỳ.

Bóng ma vụ thảm sát người ArmeniaTrẻ em Armenia chạy trốn thảm sát tại một trại tị nạn vào năm 1915 - Ảnh: BBC
Ngày 24.4 vừa qua đánh dấu 100 năm xảy ra vụ binh lính Đế chế Ottoman thảm sát người Armenia trong Thế chiến 1. Năm nay, những tranh cãi liên quan tới cách gọi tên vụ thảm sát đã nổ ra dữ dội hơn, tiếp tục làm xói mòn quan hệ giữa Armenia và nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, với tư cách là quốc gia kế thừa trực tiếp của Đế chế Ottoman.
Vết nhơ lịch sử
Phong thánh cho nạn nhân vụ thảm sát
Giáo hội Chính thống giáo Armenia ngày 23.4 đã tổ chức lễ phong thánh cho các nạn nhân vụ thảm sát. Lễ phong thánh được tổ chức bên ngoài Thánh đường Echmiadzin ở thành phố Vagharshapat trong suốt 2 giờ. Đây là lần đầu tiên trong 400 năm, Giáo hội Chính thống giáo Armenia tổ chức lễ phong thánh lớn như vậy, theo Hãng tin Đức DPA. “Lễ phong thánh cho các nạn nhân tử vì đạo trong vụ thảm sát giúp mang lại luồng sinh khí mới và lời cầu nguyện bình an cho đất nước chúng ta”, Tổng thượng phụ Karekin II của Giáo hội Chính thống giáo Armenia phát biểu tại buổi lễ.
Dưới thời Đế chế Ottoman, người Armenia luôn bị coi là công dân hạng hai. Các cuộc nổi dậy lác đác của họ thường bị đàn áp một cách không thương tiếc. Khi Thế chiến 1 nổ ra, giới lãnh đạo Ottoman xem cộng đồng thiểu số Armenia là mối đe dọa lớn vì nghi ngờ họ ủng hộ Sa hoàng Nga - kẻ thù không đội trời chung của Đế chế Ottoman. Ngày 24.4.1915, hàng trăm học giả cũng như lãnh đạo cộng đồng Armenia tại Constantinople (nay là thành phố Istanbul ở Thổ Nhĩ Kỳ) đã bị bắt giữ và bỏ tù. Hầu hết trong số này sau đó đã bị hành quyết hoặc lưu đày.
Người dân Armenia xem đây là chiến dịch mở màn cho vụ tận diệt họ. Do đó, hàng trăm ngàn người Armenia vội vã rời bỏ quê hương để đến các vùng sa mạc cằn cỗi dẫn đến bị chết đói. Hàng ngàn người khác bị tịch thu tài sản, lưu đày hoặc bỏ mạng trong các vụ xung đột bạo lực. Những người sống sót đã được đưa tới các trại tập trung.
Theo BBC dẫn nguồn tài liệu của các nhà ngoại giao và giới chức tình báo thời đó, quân lính Đế chế Ottoman đã dùng nhiều biện pháp độc ác để giết chết hàng loạt người Armenia, từ phóng hỏa, đầu độc cho đến dùng súng bắn chết.
Chính phủ Armenia sau này khẳng định có tới 1,5 triệu người Armenia bị sát hại trong những năm 1915 - 1917 và buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải xem đây là hành động diệt chủng. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ cáo buộc và chỉ thừa nhận đây là vụ thảm sát. Ankara khẳng định chỉ có chừng 500.000 người Armenia thiệt mạng và nói thêm rằng nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã chết trong giai đoạn này.
Trước việc chính phủ nước láng giềng thẳng thừng bác bỏ vụ việc, Armenia đã thông qua các kênh ngoại giao kêu gọi cộng đồng thế giới công nhận vụ thảm sát người Armenia là tội ác diệt chủng.
Bước qua lời đe dọa
Trước quyết tâm “đòi lại công bằng” cho tổ tiên của Yerevan, Ankara đã lên tiếng đe dọa sẽ xem lại mối quan hệ song phương với mọi quốc gia thừa nhận nạn diệt chủng đối với vụ thảm sát người Armenia. Tuy vậy, cho đến nay đã có hơn 20 nước trên thế giới, trong đó có Pháp, Nga, Đức, Canada cùng nhiều tổ chức quốc tế như Nghị viện châu Âu, Hội đồng châu Âu đã quyết công nhận nạn diệt chủng người Armenia, theo trang International Business Times dẫn nguồn từ chính phủ Armenia. Uruguay là quốc gia đầu tiên công nhận nạn diệt chủng vào năm 1965 và 10 năm sau đến lượt đảo Cyprus.
Mãi đến năm 1995, khi Nga tuyên bố thừa nhận nạn diệt chủng thì một loạt nước khác trên thế giới bắt đầu nối gót như: Canada (1996), Li Băng (1997), Bỉ (1998), Pháp (1998), Hy Lạp (1999), Ý (2000), Thụy Sĩ (2003), Argentina (2004), Slovakia (2004), Hà Lan (2004), Venezuela (2005), Ba Lan (2005), Lithuania (2005), Chile (2007), Thụy Điển (2010) và Bolivia (2014). Đến những ngày cuối tháng 4, danh sách trên có thêm Áo, Đức khi quốc hội các nước này chính thức thừa nhận nạn diệt chủng người Armenia sau những cuộc tranh luận nảy lửa.
Về phía Mỹ, Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức sau khi Hạ viện và Thượng viện lần lượt công nhận sự việc. Theo AFP, Tổng thống Barack Obama tỏ ra thận trọng hơn khi không dùng từ diệt chủng mà chỉ mô tả đó là “vụ tàn sát kinh hoàng”, mặc dù trong những ngày vận động tranh cử hồi năm 2008, ông Obama từng cam kết sẽ thừa nhận nạn diệt chủng đối với người Armenia. Washington quyết định chưa thừa nhận để duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh quan trọng trong NATO.
Mong manh chuyện hòa giải
Trước sức ép của dư luận, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thời gian gần đây từng bước tiến tới thừa nhận những gì xảy ra trong lịch sử như trả lại những tài sản tịch thu từ người Armenia, theo BBC. Và năm ngoái, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, khi đó còn là Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, đã lần đầu tiên gửi lời chia buồn đến gia đình nạn nhân, gọi vụ sát hại người Armenia là “vô nhân đạo”.
Vào ngày 24.4, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân. Thủ tướng Ahmet Davutoglu tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ muốn “chia sẻ nỗi đau” của người Armenia. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Ankara vẫn không xem vụ thảm sát là “nạn diệt chủng”.
Ngay cả Tổng thống Erdogan mới đây vẫn khẳng định sẽ kiên quyết chống lại việc gây sức ép buộc Ankara công nhận đây là tội ác diệt chủng. Chính vì quan điểm này mà quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với một số nước không được tốt đẹp. Cụ thể, Ankara ngày 22.4 đã triệu hồi đại sứ nước này tại Áo Hasan Gogus để phản đối việc Quốc hội Áo gọi vụ thảm sát là tội ác diệt chủng. Hồi đầu tháng này, Thổ Nhĩ Kỳ cũng triệu hồi đại sứ của mình tại Vatican sau khi Giáo hoàng Francis dùng từ “diệt chủng” trong một buổi lễ tưởng niệm.
Mới đây, ngày 24.4, Ankara đã chỉ trích kịch liệt Tổng thống Nga Vladimir Putin khi ông dùng từ “diệt chủng” trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày xảy ra vụ thảm sát. Trong khi đó, trả lời phỏng vấn Đài Euronews (Pháp) ngày 22.4, Tổng thống Armenia Serzh Sargsyan khẳng định quan điểm của nước này vẫn là phải dùng từ “diệt chủng” đối với vụ thảm sát. “Rõ ràng việc Thổ Nhĩ Kỳ công nhận nạn diệt chủng là con đường ngắn nhất dẫn tới hòa giải giữa hai quốc gia chúng ta”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.