Tham vọng đắp núi tạo mưa của UAE

05/05/2016 07:00 GMT+7

Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất quyết tâm đổ tiền nghiên cứu kế hoạch xây hẳn một ngọn núi nhằm tạo mưa, khắc phục thời tiết khô hạn của nước này.

Là đất nước nằm giữa sa mạc, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) luôn phải nỗ lực tìm kiếm phương pháp chống chọi khí hậu khắc nghiệt. Với hy vọng tăng tối đa lượng mưa trong năm, chính quyền nước này đang nghiên cứu tính khả thi của dự án xây núi nhân tạo.
Từng khiến thế giới thán phục với những công trình cực kỳ đồ sộ, tham vọng mới của UAE được đánh giá là nhiều khả năng sẽ trở thành hiện thực.
Dự án không tưởng
Theo các chuyên gia, núi đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra mưa vì khiến không khí ẩm tăng nhanh, sau đó ngưng tụ lại tạo thành mưa. Báo cáo của Tổ chức Lương nông (FAO) thuộc LHQ cũng ghi rõ các ngọn núi ảnh hưởng nhiều tới khí hậu và điều kiện thời tiết khu vực lẫn toàn cầu. Bằng cách ngăn dòng lưu thông của không khí, núi có tác động lớn đến gió, lượng mưa và nhiệt độ.
Nắm được nguyên lý này, UAE hiện đang bước vào giai đoạn sơ bộ của dự án xây núi nhân tạo, theo tờ The Washington Post. Các chuyên gia từ Liên đoàn Các trường đại học nghiên cứu khí quyển (UCAR) cùng Trung tâm nghiên cứu khí quyển quốc gia (NCAR), cả hai đều của Mỹ, đã được chính quyền UAE ủy thác triển khai dự án táo bạo này. Mới đây, UCAR đã được giải ngân 400.000 USD để tìm kiếm những ý tưởng ban đầu.
Tờ Mirror dẫn lời trưởng nhóm nghiên cứu Roelof Bruintjes cho biết: “Chúng tôi đang đánh giá tác động đến thời tiết của từng loại núi nhân tạo cũng như độ cao và độ dốc”. Ông dự đoán UCAR sẽ có thể đưa ra báo cáo về giai đoạn nghiên cứu khả thi của kế hoạch xây núi trong vòng 1 đến 2 tháng nữa. “Xây một ngọn núi không hề đơn giản. Chúng tôi đang cố hoàn thành quá trình so sánh các ý tưởng và xem xét kỹ lưỡng độ cao, chiều rộng chân núi, vị trí đặt núi, đồng thời theo dõi thời tiết địa phương”, ông Bruintjes nói. Theo trang abudhabi2.com, các đội tìm hiểu thực địa đang được triển khai khắp lãnh thổ UAE để tìm kiếm địa điểm xây núi cụ thể.
Hiện chưa rõ chi phí cho dự án không tưởng trên, song chuyên gia Bruintjes ước đoán con số này sẽ rất lớn, ngay cả đối với UAE - nước nổi tiếng “chi bạo” cho các công trình xây dựng khổng lồ. Ông cho biết thêm nếu chính phủ UAE thông qua chi phí, giai đoạn hai của dự án sẽ được chuyển giao cho các công ty chuyên trách về xây dựng và trồng rừng.
Mây nhân tạo
Mưa là một trong những thách thức lớn nhất của UAE. Hằng năm, nước này chỉ có vài ngày mưa và vào mùa hè, nhiệt độ có thể lên đến 430C. Lượng mưa hằng năm tại UAE không quá 127 mm. Điều này dẫn đến nguy cơ rất lớn cho vấn đề an ninh nguồn nước ở những nơi như Dubai, một trong những đô thị phát triển vượt bậc nhất trên thế giới và là nơi tập trung của giới siêu giàu.
Trong lúc chờ đợi dự án xây núi, UAE đang dựa vào công nghệ gieo mây nhân tạo để giải quyết bài toán khô hạn. Theo tạp chí Arabian Business tại Dubai, chính quyền nước này đã chi 558.000 USD trong năm 2015 để dùng máy bay phun hợp chất hóa học tạo ra 186 đám mây nhân tạo đem lại mưa. Chương trình nghiên cứu khoa học cải thiện lượng mưa của UAE mới đây cũng thông báo dành 5 triệu USD để tìm kiếm biện pháp phối hợp giữa công nghệ tạo mưa hiện nay và dự án xây núi với quyết tâm cải thiện khí hậu và “chiến thắng ông trời”.
Những công trình “khủng” của UAE
UAE lâu nay nổi tiếng với những công trình đồ sộ mọc lên giữa hoang mạc. Được biết đến nhiều nhất có thể kể đến tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa hay quần đảo nhân tạo hình cây cọ Palm Jumeirah vươn ra biển.
Tòa tháp Burj Khalifa cao nhất thế giới ở Dubai Đoàn Xuân Hải

Theo trang Digital Trend, Burj Khalifa cao trên 828 m, được xây dựng vào năm 2004 và 5 năm sau thì hoàn tất. Tòa nhà mở cửa đón khách vào năm 2010. Chi phí xây dựng Burj Khalifa ước tính khoảng 1,5 tỉ USD.
Còn Palm Jumeirah được nhiều người đánh giá là kỳ quan thế giới hiện đại thứ 8 và là quần đảo nhân tạo thuộc hàng lớn nhất thế giới. Palm Jumeirah rộng 5 km2, được xây dựng theo hình cây cọ gồm 16 nhánh với nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng, biệt thự cao cấp xây dọc theo các nhánh này. Chính phủ UAE đã chi tới 12 tỉ USD để tạo ra đảo Palm Jumeirah, vốn giúp tăng đáng kể chiều dài bờ biển của Dubai, theo Đài ABC (Úc). Công trình được khởi công vào tháng 6.2001 và đến tháng 11.2014 mới hoàn tất. Tuy vậy, chủ đầu tư đã bắt đầu bàn giao nhà từ cuối năm 2006.
Có vẻ chưa mãn nguyện với những siêu công trình trên, UAE hiện đang đẩy mạnh dự án xây tòa nhà cao hơn cả Burj Khalifa. Chủ đầu tư Emaar cho biết chiều cao cuối cùng của tòa nhà mới sẽ được công bố trong thời gian tới. Dự án sẽ khởi công vào tháng 6.2016 và dự kiến hoàn tất trước năm 2020.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.