Tham vọng trồng rừng trên nóc nhà thế giới

21/11/2017 08:51 GMT+7

Trung Quốc muốn dùng điện mặt trời làm tan tầng đất đóng băng quanh năm ở Tây Tạng để trồng rừng nhân tạo, bất chấp quan ngại từ giới khoa học.

Nagqu, một đô thị với khí hậu cận cực trên cao nguyên Tây Tạng, nổi tiếng bởi vẻ đẹp xù xì, đầy khắc nghiệt của thế giới hoang dã và từng là cố đô của vương triều Tượng Hùng cổ xưa. Tuy nhiên, hiếm người ngoài nào biết được Nagqu cũng là thành phố duy nhất của Trung Quốc không hề có một bóng cây. Tình trạng vắng bóng cây cối, thiếu ô xy, khí hậu dưới 0 độ và cô lập về mặt địa lý là những nguyên nhân hàng đầu gây ra nỗi ám ảnh trong hàng ngũ binh sĩ đang đóng quân ở độ cao 4.500 m so với mặt nước biển. Tờ Giải phóng quân (PLA Daily) của Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc từng đề cập đến chuyện các binh sĩ đóng quân ở Nagqu có thói quen nhảy xuống xe buýt ôm chầm một thân cây bất kỳ, trào nước mắt, khi đến ngày nghỉ phép tại Lhasa, thủ phủ Tây Tạng.
Theo PLA Daily, Bắc Kinh đã chi hàng triệu nhân dân tệ trong vài thập niên qua để cây có thể mọc được ở Nagqu. Họ áp dụng nhiều biện pháp như trồng cây trong nhà kính, bổ sung thuốc đa vitamin cho cây, tưới nước ấm, bọc cành bằng màng nhựa mỏng, nhưng mọi cố gắng đều thất bại. Giờ đây, Trung Quốc đang có ý định thực hiện tham vọng chưa từng có và vô cùng đắt đỏ là khai thác điện mặt trời nhằm làm tan tầng đất đóng băng quanh năm ở Nagqu, cho phép cây có thể mọc. Tờ South China Morning Post cho biết hoạt động lắp đặt các bảng điện mặt trời đang diễn ra trên vùng đồng cỏ rộng lớn của Tây Tạng, cung cấp năng lượng cho mạng lưới điện khổng lồ và chằng chịt được chôn bên dưới lòng đất. Nhiệt lượng thu được sẽ làm tan chảy lớp đất đang đóng băng bên dưới, giúp rễ cây không bị chết cóng vì sương giá, theo các nhà khoa học đến thăm khu vực đang được thí nghiệm. Dựa trên tính toán, trong những tháng sắp tới, nhiều khả năng một tán rừng mới sẽ được hình thành trên khu vực có diện tích gấp 30 lần sân vận động thể thao. Website của Sở Khoa học - Công nghệ Khu tự trị Tây Tạng mô tả khu rừng sẽ bao gồm thông, bách, linh sam. Nếu chiến lược này thành công trong mùa đông năm 2017, bóng dáng cây cối có thể bắt đầu xuất hiện tại Nagqu trong những năm tới.

tin liên quan

Trung Quốc vũ khí hóa nguồn nước
Trung Quốc được cho là đang nắm trong tay một loại vũ khí đặc biệt, đủ sức “đe dọa” 1/4 dân số thế giới mà không tốn một mũi tên viên đạn.
Tuy nhiên, giới khoa học đang hết sức quan ngại về giá trị thực tế của dự án, nhất là ở khía cạnh ngân sách và môi trường. Một chuyên gia cảnh báo tổng chi phí cho việc cải tạo đất phải lên đến hàng chục triệu USD: “Đó sẽ là những cái cây đắt đỏ nhất thế giới”. Nghiêm trọng hơn thế, một nhà khoa học luôn theo dõi khu vực này trong nhiều năm nhận định dự án sẽ phá vỡ sự cân bằng sinh thái của cao nguyên Tây Tạng. Sự xuất hiện đột ngột của rừng nhân tạo và các nhà máy điện mặt trời sẽ làm cạn kiệt nguồn nước ngầm, phá hoại môi trường sống của tự nhiên và đảo lộn chuỗi thức ăn dễ tổn thương tại đây. Nagqu hiện có 7 khu bảo tồn đời sống hoang dã, bảo đảm cho những loài động vật bản địa như gấu, cáo, sói có thể tiếp tục cuộc sống đã thích ứng qua hàng triệu năm. Và sự can thiệp của con người có thể phá hủy tất cả, theo các nhà khoa học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.