Trung Quốc vũ khí hóa nguồn nước

03/09/2017 09:08 GMT+7

Trung Quốc được cho là đang nắm trong tay một loại vũ khí đặc biệt, đủ sức “đe dọa” 1/4 dân số thế giới mà không tốn một mũi tên viên đạn.

Sở hữu cao nguyên Tây Tạng cùng hơn 87.000 con đập lớn nhỏ, Trung Quốc đang nắm ưu thế đầu nguồn của 10 con sông lớn cung cấp nước cho gần 2 tỉ người ở các nước phương nam.
Những tháp nước khổng lồ
Trên dãy núi Himalaya hùng vĩ là những “tháp nước của châu Á” đã và đang được Trung Quốc xây dựng và đưa vào hoạt động. Đây là những đập thủy điện có khả năng trữ hàng tỉ mét khối nước. Để đáp ứng nhu cầu về điện và giảm sự phụ thuộc vào than đá, Trung Quốc đã cấp tập xây dựng đập thủy điện trong thời gian qua, theo chuyên san The National Interest. Vào năm 1949, Trung Quốc chỉ có chưa tới 40 đập thủy điện nhỏ, nhưng giờ đây số lượng đập ở nước này đã nhiều hơn của Mỹ, Brazil và Canada cộng lại. Chỉ tính riêng trên sông Mê Kông, Trung Quốc đã xây 7 con đập lớn và đang có kế hoạch xây dựng thêm 21 đập.
Tuy nhiên, tốc độ xây đập quá nhanh đã gây nên những tác động về môi trường, cũng như tạo ra mối đe dọa đối với các quốc gia ở vùng hạ lưu. “Bên cạnh vấn đề môi trường, những con đập ở khu vực Tây Tạng có thể gây hậu quả thảm khốc với Ấn Độ như động đất, tai nạn, hoặc Trung Quốc có thể cố ý phá hoại đập để sử dụng trong cuộc chiến chống lại Ấn Độ”, nhà nghiên cứu khí hậu Milap Chandra Sharma tại Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) nhận định. Các nước láng giềng ở phía nam Trung Quốc cũng có cơ sở để lo lắng, bởi lẽ trước đây Ấn Độ từng chịu thiệt hại nặng nề tới 30 triệu USD khi các con đập của Trung Quốc bất ngờ xả lũ. Những trận lũ quét còn khiến 500.000 người ở miền đông bắc Ấn Độ mất nhà cửa.
Theo The National Interest, mỗi năm khi Trung Quốc vào mùa mưa, các quốc gia ở hạ lưu rơi vào tình trạng báo động, vì những con đập nơi thượng nguồn thường bất ngờ xả lũ mà ít khi cảnh báo trước. Ngoài lũ lụt, các đập thủy điện của Trung Quốc cũng được cho là nguyên nhân của những đợt hạn hán khắc nghiệt nếu không xả nước.
Bài học lịch sử của người Trung Quốc
Người dân Trung Quốc cũng từng là nạn nhân của “vũ khí nước” ngay trên đất nước mình. Trong Thế chiến 2, để chặn đà tiến công của quân đội phát xít Nhật, lãnh đạo Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch đã cho phá một con đập trên sông Hoàng Hà gây ngập một khu vực kéo dài hàng ngàn ki lô mét. Ước tính có gần 800.000 người Trung Quốc thiệt mạng, hơn 4 triệu người mất nhà cửa.
Chiến tranh nước ?
Nhiều chuyên gia cho rằng các tai họa trên phần nào là lời nhắc nhở quan trọng về việc Bắc Kinh dùng ưu thế của mình để gây ảnh hưởng đối với những quốc gia láng giềng phía nam. Những con sông bắt nguồn từ Trung Quốc tác động lớn đến đời sống người dân Nam Á, là nguồn cung cấp nước uống, tưới tiêu, đánh bắt và cả vận chuyển thương mại. Với việc kiểm soát dòng chảy được xem là huyết mạch trong khu vực, Trung Quốc từng nhiều lần bị cáo buộc lạm dụng quyền lực này. “Về mặt ngoại giao, Trung Quốc đang sử dụng các con sông của mình như một chìa khóa để mặc cả”, ông Tanasak Phosrikun, một nhà hoạt động về sông Mê Kông ở Thái Lan, nhận xét.
Tuy vậy, Trung Quốc luôn bác bỏ những cáo buộc này. Năm 2016, trong lúc người dân Ấn Độ bức xúc về các con đập của Trung Quốc, tờ Hoàn Cầu thời báo (phụ san của Nhân Dân nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc) đăng bài bình luận với nội dung: “Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ không nên bị cuộc “chiến tranh nước” vốn chẳng có thật làm ảnh hưởng… Thẳng thắn mà nói, Ấn Độ không việc gì phải phản ứng thái quá với các dự án đập thủy điện được xây dựng để giúp phát triển và sử dụng tài nguyên nước hợp lý như vậy”.

tin liên quan

Hải quân Trung Quốc tập trận dằn mặt Ấn Độ
Hải quân Trung Quốc vừa tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật ở Ấn Độ Dương, với giả định tấn công tàu ‘kẻ thù’, trong bối cảnh nước này có căng thẳng quân sự với Ấn Độ tại khu vực biên giới.
Mặc dù bác bỏ việc đang tiến hành cuộc “chiến tranh nước” với Ấn Độ, Bắc Kinh lại từ chối chia sẻ dữ liệu thủy văn trong năm nay với New Delhi, theo thỏa thuận đã có từ trước giữa hai nước. Theo tờ Hindustan Times, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết từ tháng 5, Trung Quốc đã ngừng chia sẻ dữ liệu thủy văn về lượng nước của các con sông chảy từ nước này qua Ấn Độ mặc dù hai nước đã nhất trí thực hiện từ năm 2006 theo sau thỏa thuận ngăn chặn thiên tai trong mùa lũ. Các dữ liệu về lưu lượng, dòng chảy... của các con sông ở thượng nguồn đóng vai trò quan trọng trong việc cảnh báo lũ, từ đó giúp giảm thiệt hại về người và của. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đi ngược lại cam kết bất chấp lũ tràn xuống khu vực trải dài từ bang Assam tới Uttar Pradesh của Ấn Độ. Vào thời điểm căng thẳng ở cao nguyên Doklam vừa qua, giới chuyên gia còn lo ngại Bắc Kinh có thể âm thầm khởi động một chiến dịch khác để gây sức ép với New Delhi, mà cụ thể là treo một “quả bom nước” trên đầu láng giềng. Nếu Trung Quốc đồng loạt xả lũ các đập ở thượng nguồn, Ấn Độ sẽ hứng chịu lũ lụt với sức tàn phá nặng nề.
Hành động mới đây của Trung Quốc đã vi phạm các biên bản ghi nhớ năm 2013 và 2014. Theo các biên bản này, Trung Quốc có nghĩa vụ chia sẻ dữ liệu thủy văn cho Ấn Độ tại 3 trạm giám sát thủy văn thượng nguồn ở Tây Tạng trong khoảng thời gian ghi nhận từ ngày 15.5 tới 15.10 mỗi năm. Điều đáng chú ý là trong khi Bắc Kinh bán dữ liệu thủy văn cho các nước hạ nguồn, Ấn Độ lại cung cấp các dữ liệu này miễn phí cho các láng giềng Pakistan và Bangladesh.
Có thể nói, dù cố ý hay không thì nước cũng đã trở thành một vũ khí thực tế giúp Trung Quốc có đòn bẩy chính trị tốt hơn trong cuộc so găng với các nước láng giềng phía nam. Khi tình trạng khan hiếm nước ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu và gia tăng dân số, nhu cầu về nguồn tài nguyên quý giá này cũng từ đó tăng thêm, sức mạnh của Trung Quốc ngày càng được khuếch đại và khả năng xảy ra xung đột cũng tăng cao.
Cần tăng cường chia sẻ thông tin
Chia sẻ với Thanh Niên, tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (TP.HCM), cho biết: “Việc các nước lo lắng về vấn đề Trung Quốc vũ khí hóa nguồn nước không phải là chuyện mới mẻ. Nỗi lo này trỗi dậy mỗi khi có mâu thuẫn giữa Trung Quốc với một quốc gia láng giềng ở hạ lưu cùng chia sẻ nguồn nước và có lẽ sẽ không chấm dứt trong tương lai nếu không tìm ra biện pháp giải quyết triệt để. Mặc dù Trung Quốc luôn bác bỏ cáo buộc về việc sử dụng nguồn nước như một đòn bẩy để gây sức ép với quốc gia khác, nhưng Bắc Kinh không thể né tránh một thực tế là bất kỳ hành động nào của họ đối với dòng nước thượng nguồn cũng gây ảnh hưởng lớn đối với các quốc gia hạ nguồn. Điều này cho thấy vấn đề hợp tác với Trung Quốc trong việc chia sẻ thông tin nguồn tài nguyên nước, thông tin khí tượng, cũng như tham vấn đầy đủ về các dự án thủy điện lớn, thay đổi dòng chảy trên thượng nguồn là vô cùng cần thiết. Việc cùng sử dụng nguồn nước đã trở thành vấn đề đa phương, không còn phải là yếu tố song phương giữa Trung Quốc và một quốc gia nào đó. Các thể chế đa phương về sử dụng chung nguồn nước nên được khuyến khích, tăng cường và đẩy mạnh”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.