Thế giới đón năm mới ra sao trong đại dịch Covid-19?

31/12/2020 23:06 GMT+7

Hàng tỉ người trên thế giới đón giao thừa trong bối cảnh nhiều hoạt động lễ hội đón năm mới 2021 bị giảm quy mô hoặc hủy bỏ vì lệnh phong tỏa, cấm tụ tập đông người để phòng chống Covid-19 .

Sau 1 năm ròng rã chứng kiến hơn 1,8 triệu người chết vì Covid-19, các đợt bùng phát dịch mới được ghi nhận tại nhiều nơi trên thế giới buộc chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa hoặc hạn chế đi lại và cấm tụ tập đông người, theo AFP.
Từ thành phố Sydney (Úc) cho đến thủ đô Rome (Ý), người dân sẽ phải ở nhà theo dõi chương trình truyền hình trực tiếp các chương trình bắn pháo hoa và biểu diễn ca nhạc nếu những sự kiện này không bị hủy bỏ hoàn toàn.

Thế giới tạm biệt năm 2020 ra sao?

Hai quốc gia ở Thái Bình Dương là Kiribati và Samoa sẽ đón ánh nắng mặt trời năm mới 2021 đầu tiên từ lúc 1000 GMT (tức 17 giờ ngày 31.12 theo giờ Việt Nam). Trong khi đó, quần đảo không có người ở Howland và Baker của Mỹ là nơi cuối cùng bước vào năm mới, 26 giờ sau đó.
Tuy các đảo quốc Thái Bình Dương không chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì đại dịch nhưng lệnh giới nghiêm phòng dịch Covid-19 đồng nghĩa đêm giao thừa vẫn có một chút khác biệt.
Tại khu nghỉ mát Taumeasina gần thủ đô Apia của Samoa, người quản lý Tuiataga Nathan Bucknall cho biết ông rất vui khi được phép mở cửa hoạt động và không giới hạn số lượng khách. Tuy nhiên, tình trạng khẩn cấp đã được ban bố vì Covid-19 nên khu nghỉ mát phải ngừng phục vụ đồ uống có cồn kể từ 23 giờ, ông Bucknall nói.
Tại thành phố Sydney (Úc), pháo hoa vẫn sẽ thắp sáng bến cảng với màn trình diễn rực rỡ lúc 1300 GMT (21 giờ theo giờ Việt Nam) nhưng ít khán giả đến đó để xem trực tiếp.

Người tụ tập đông đúc bên ngoài để đón giao thừa ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, vốn là nơi dịch Covid-19 xuất hiện lần đầu tiên cuối năm ngoái

Reuters

Chính quyền hủy bỏ kế hoạch cho phép đám đông xem trực tiếp màn bắn pháo hoa nổi tiếng sau khi ghi nhận khoảng 150 ca nhiễm mới ở Sydney, thu hẹp lễ đón giao thừa với lệnh cấm tụ tập đông người. Nhà chức trách kêu gọi người dân ở nhà, xem màn bắn pháo hoa nổi tiếng trực tiếp trên truyền hình thay vì tới tận nơi như những năm trước.
Chỉ một số ít người được phép đến xem trực tiếp màn bắn pháo hoa ở Sydney. Cô Karen Roberts, một trong số ít người may mắn đó, cho biết: “Tôi nghĩ mọi người đều hướng tới năm 2021 như một khởi đầu mới.

Cảnh đón giao thừa ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc năm 2020 (trái) và 2019

Reuters

Ở châu Âu, Ý đang trong tình trạng phong tỏa toàn quốc cho đến ngày 7.1 cùng lệnh giới nghiêm 10 giờ tối. Những hình ảnh về nhà xác dựng tạm và nhân viên y tế kiệt sức ở Ý khiến thế giới thức tỉnh về mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng Covid-19.
Từ Pháp đến Latvia và Brazil, cảnh sát và trong một số trường hợp là binh sĩ được triển khai để đảm bảo thực thi lệnh giới nghiêm ban đêm hoặc lệnh cấm tụ tập đông người.
Tại một số nơi như New Zealand, người dân có thể chào đón năm mới, xem bắn pháo hoa tại một số thành phố gần như bình thường mà không cần ngồi ở nhà xem truyền hình trực tuyến.
Ở Dubai, hàng ngàn người sẽ tham dự buổi trình diễn pháo hoa và laser tại tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa bất kể có nhiều ca nhiễm mới. Tuy nhiên, tất cả người tham dự sự kiện ở địa điểm công cộng, khách sạn hay nhà hàng sẽ phải đeo khẩu trang và đăng ký bằng mã QR.

Con đường vắng lặng đêm giao thừa ở thủ đô Jakarta của Indonesia, ngày 31.12 vì lệnh giãn cách xã hội phòng Covid-19

Reuters

“Sinh hoạt như thể không có đại dịch Covid-19"

Tại thủ đô Beirut của Li Băng từng hứng chịu vụ nổ cảng kinh hoàng hôm 4.8, chính quyền nới lỏng lệnh giới nghiêm ban đêm cho đến 3 giờ sáng. Các quán bar, nhà hàng và câu lạc bộ đêm đều đã mở cửa trở lại và đang quảng cáo cho các bữa tiệc lớn đón giao thừa.
Các trang mạng xã hội tràn ngập hình ảnh và video về quán bar và nhà hàng chật kín. Điều này buộc chính quyền nhiều nơi trên thế giới cảnh báo nguy cơ áp đặt lệnh phong tỏa mới trong bối cảnh biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Anh được ghi nhận tại nhiều quốc gia khác.
Trong bài phát biểu mừng năm mới, Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo người dân về cuộc khủng hoảng Covid-19 "lịch sử" sẽ kéo dài sang năm 2021 ngay cả khi vắc xin mang đến một số tia hy vọng.
Tại Brazil, các bác sĩ lo sợ trước nguy cơ một đợt bùng phát dịch bệnh mới. Đến nay, Brazil ghi nhận hơn 193.000 ca tử vong vì Covid-19 với hơn 7,6 triệu ca nhiễm, con số lớn thứ 3 trên thế giới.
Trong những ngày gần đây, mạng xã hội tràn ngập hình ảnh, video cho thấy nhiều người không đeo khẩu trang đi chơi bên ngoài. Nhiều kênh truyền hình thậm chí còn phát sóng trực tiếp hình ảnh cảnh sát đóng cửa các quán bar chật kín khách hàng.
"Đỉnh dịch là vào giai đoạn tháng 5 và tháng 7. Đó là khi không có nhiều người di chuyển và chúng ta chăm sóc bản thân nhiều hơn. Trong những ngày cuối năm 2020, chúng ta ghi nhận rất nhiều ca nhiễm mới và cũng có nhiều người sinh hoạt như thể không có đại dịch Covid-19", chuyên gia Luiz Gustavo de Almeida tại Đại học Sao Paulo (Brazil) nói với AFP.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.