Reuters ngày 13.8 đưa tin lãnh đạo các nước Nga, Iran, Kazakhstan, Azerbaijan và Turkmenistan đã ký chuẩn thuận Quy ước về tình trạng pháp lý của biển Caspi, qua đó giúp chấm dứt tranh cãi kéo dài hơn 20 năm trong khu vực, mở đường cho một loạt thỏa thuận về hợp tác an ninh, thương mại trong tương lai. Quy ước mới giúp lập cơ chế phân chia cơ bản nguồn tài nguyên ở biển Caspi và ngăn cấm các nước bên ngoài khu vực triển khai tàu chiến tại đây. Kết quả này đạt được trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ 5 của các quốc gia khu vực kể từ năm 2002. Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, đã có hơn 50 cuộc gặp cấp thấp hơn giữa các bên liên quan.
|
Là vùng nước cô lập trong đất liền và ít mặn hơn đại dương, Caspi được Iran và Liên Xô xem là hồ và đường biên giới được phân định rõ ràng giữa hai bên. Thế nhưng trong giai đoạn biến động thập niên 1990, các quốc gia nằm ven vùng nước này thành lập sau khi Liên Xô tan rã là Turkmenistan, Kazakhstan và Azerbaijan yêu cầu được phân chia chủ quyền đối với Caspi. Trong hơn 2 thập niên qua, các bên liên tục đưa ra hướng tiếp cận khác nhau về việc xem Caspi là hồ hay biển, kéo theo tranh cãi về cách áp dụng phân chia chủ quyền.
Thỏa thuận được ký kết trong hội nghị tại thành phố Aktau (Kazakhstan) đã giúp giải quyết thế bế tắc khi trao “tình trạng pháp lý đặc biệt” cho Caspi, tức không được xem là hồ hay biển. Theo quy ước mới, bề mặt nước là “vùng nước quốc tế” nên mọi quốc gia ven bờ được quyền tự do đi lại; còn phần đáy giàu tài nguyên thiên nhiên được chia thành các “vùng lãnh hải”. Chi tiết phân định cụ thể chưa được tiết lộ, nhưng Reuters dẫn lời Tổng thống Nursultan Nazarbayev của Kazakhstan cho hay 5 nước đồng ý vùng nước 15 hải lý tính từ bờ là thuộc chủ quyền mỗi nước, từ đó tính ra thêm 10 hải lý là vùng đánh bắt của mỗi nước, xa hơn nữa là vùng nước chung.
Bên cạnh đó, tờ The New York Times dẫn lời Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết việc phân chia đáy biển Caspi và tài nguyên cần phải được thông qua trong các thỏa thuận khác. Quy ước nói trên cũng được xem đóng vai trò then chốt trong việc phá thế cô lập của Iran trước vòng vây cấm vận của Mỹ. Về mặt an ninh, chính quyền Tehran có thể hưởng lợi từ quy ước mới khi có điều khoản cấm các nước ngoài khu vực hiện diện quân sự tại đây.
Sau khi thỏa thuận được ký kết, cả 5 lãnh đạo khu vực đã lên tiếng hoan nghênh bước đi lịch sử này. Tổng thống Rouhani tuyên bố: “Caspi chỉ thuộc về các quốc gia Caspi”, còn Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh tầm quan trọng của quy ước, đồng thời hối thúc các nước trong vùng thúc đẩy hợp tác về nhiều mặt, trong đó có quốc phòng và an ninh.
Biển Caspi là tên gọi thường dùng của vùng nước khép kín lớn nhất thế giới với diện tích mặt nước 371.000 km². Vì không tiếp giáp với đại dương nên lâu nay, các nhà địa lý và giới phân tích địa chính trị coi đây là hồ nước. Caspi được cho là nơi có trữ lượng lớn dầu và khí tự nhiên. Theo AFP, ước tính trữ lượng dầu ở đây khoảng 50 tỉ thùng và khí đốt là 8.400 tỉ m3. Báo cáo của Tổ chức Nghiên cứu The Heritage nhận định việc phân định Caspi có thể ảnh hưởng lớn đến thị trường dầu hỏa và khí đốt thế giới. Đó là chưa kể tác động về mặt chiến lược khi một số quốc gia trong khu vực này có quan hệ không êm đẹp với phương Tây.
|
Bình luận (0)