Từ góc độ trách nhiệm của người đứng đầu chính phủ và đòi hỏi của văn hóa, đạo đức chính trị thì việc từ chức của Thủ tướng Hà Lan là cần thiết và không thể tránh khỏi. Động thái của ông Rutte và chính phủ Hà Lan được dư luận xã hội tán thưởng và đánh giá cao. Nhưng thực chất, nó lại rất có lợi cho ông Rutte trong bối cảnh chính trị xã hội hiện tại ở Hà Lan.
Ông Rutte buông bỏ quyền lực khi nhiệm kỳ cầm quyền hiện tại sắp kết thúc. Cuộc bầu cử quốc hội sẽ diễn ra ngày 17.3 tới. Kết quả thăm dò dư luận hiện cho thấy liên minh cầm quyền của ông Rutte sẽ đắc cử. Dù vậy vẫn có rủi ro thất cử, nên việc từ chức vào thời điểm hiện tại là nước cờ chính trị cao của ông Rutte nhằm biến việc chẳng hay ho gì nhưng không thể không làm thành bước đi góp phần quan trọng vào việc củng cố cơ may đắc cử.
Ông Rutte và chính phủ từ chức nhưng trên thực tế vẫn tiếp tục làm việc cho tới khi có chính phủ mới sau cuộc tổng tuyển cử. Nếu đắc cử, ông Rutte và liên minh chính phủ sẽ lại tiếp tục cầm quyền. Việc từ chức được cử tri đánh giá cao và nhờ thế mà có được hiệu ứng tranh thủ cử tri rất quan trọng.
Buông bỏ quyền lực trên danh nghĩa nhưng vẫn nắm giữ quyền lực trên thực tế và buông bỏ quyền lực trước cuộc tổng tuyển cử nhưng lại giúp chắc chắn tái đắc cử hơn. Nếu biết cách tận dụng tai tiếng thì thật lợi hại.
Bình luận (0)