Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kỳ họp thường niên của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (quốc hội) kết thúc, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh bất kỳ đảng phái chính trị hay chính trị gia Đài Loan nào đều được hoan nghênh tham gia thảo luận mối quan hệ giữa hai bên bờ eo biển Đài Loan với Bắc Kinh miễn việc thảo luận diễn ra trong khuôn khổ của nguyên tắc “một Trung Quốc” và đồng thuận 1992”, theo tờ South China Morning Post.
Các cuộc trao đổi chính thức giữa hai bên bị tạm dừng kể từ khi bà Thái Anh Văn, thuộc đảng Dân tiến (DPP), được bầu làm lãnh đạo Đài Loan hồi năm 2016 và không chấp nhận đồng thuận năm 1992 là nền tảng cho quan hệ song phương. Theo đồng thuận năm 1992, chỉ có “một Trung Quốc” nhưng hai bên có cách giải thích khác nhau về khái niệm này.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục xúc tiến phát triển hòa bình về mối quan hệ giữa hai bên bờ eo biển Đài Loan và tái thống nhất tổ quốc, và chúng tôi phản đối bất kỳ hình thức Đài Loan độc lập và sự can thiệp của bên ngoài về vấn đề Đài Loan”, ông Lý nhấn mạnh. Ông Lý còn nói rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục đưa ra những chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp Đài Loan tìm kiếm cơ hội ở đại lục.
Đáp lại, Phó chủ nhiệm Hội đồng Sự vụ đại lục của Đài Loan Khâu Thùy Chánh tuyên bố Đài Bắc không chấp nhận đồng thuận 1992. “Chúng tôi kêu gọi phía bên kia của eo biển Đài Loan chú ý tư duy của người Đài Loan và kiềm chế việc sử dụng các thuật ngữ chính trị để trở lại sự tương tác thân tình giữa hai bên”, ông Khâu nhấn mạnh, theo South China Morning Post.
Trong khi đó, đảng đối lập ở Đài Loan được cho là thân Bắc Kinh, Quốc Dân đảng (KMT), kêu gọi “đảo ngược sự thù địch”. Phát ngôn viên KMT Angel Hung cho rằng hai bên cần có những cuộc thảo luận mang tính thân thiện hơn để có tư duy tích cực hơn. “Chúng tôi tin rằng tiếp tục đối thoại và đảo ngược sự thù địch là con đường đúng… cho hòa bình và thịnh vượng”, bà Hung nhấn mạnh.
Học giả Lev Nachman tại Đại học Quốc lập Đài Loan thì nhận định phát biểu của Thủ tướng Lý cho thấy Bắc Kinh không chấp nhận lập trường của DPP. “Khi họ khăng khăng lấy nguyên tắc một Trung Quốc và đồng thuận năm 1992 làm điều kiện đối thoại, đó là những điều mà Quốc Dân đảng gần như đồng ý. Đó là lý do KMT và đại lục có thể đã có đối thoại khi KMT từng nắm quyền. Dù bà Thái Anh Văn có chấp nhận đồng thuận 1992, vẫn khó có khả năng đối thoại vì DPP mãi mãi bị [Bắc Kinh] xem là lực lượng ly khai, đòi độc lập”, ông Nachman bình luận, theo South China Morning Post.
Bình luận (0)