'Thư viện tận thế' bảo vệ di sản văn hóa nhân loại

11/04/2017 11:27 GMT+7

Một kho lưu trữ khổng lồ tại Na Uy sẽ giúp bảo tồn di sản văn hóa và lịch sử quan trọng của nhân loại trong trường hợp xảy ra thảm họa chiến tranh hay thiên tai.

Năm 2008, chính phủ Na Uy phối hợp cùng các tổ chức bảo tồn để xây dựng một căn hầm vĩnh cửu nhằm lưu trữ hạt giống thực vật cũng như các loại cây lương thực phổ biến nhằm phòng ngừa trường hợp xảy ra “thảm họa tận thế” do biến đổi khí hậu hoặc chiến tranh hạt nhân.
Theo chuyên trang Wired, khoảng 940.000 loại hạt giống của tổng cộng gần 3.800 loài từ nhiều quốc gia trên thế giới đang được lưu trữ tại đây. Mỗi loại được đóng gói cẩn thận vào từng túi riêng biệt, sau đó được niêm phong vào những chiếc thùng kín đặt trong căn hầm luôn giữ ở nhiệt độ không đổi để duy trì chất lượng hạt giống suốt nhiều thập niên.
Tọa lạc tại quần đảo Svalbard quanh năm băng giá của Na Uy, căn hầm được xem là nơi bảo tồn đa dạng sinh học thực vật và góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên toàn cầu. Nhà khoa học Cary Fowler, Giám đốc điều hành của Tổ chức Global Crop Diversity Trust (GCDT), dự đoán con người có thể sẽ phải mở cửa hầm để dùng đến hạt giống lưu trữ trong căn hầm này vào năm 2100.
Giờ đây, hầm hạt giống toàn cầu sắp sửa có “hàng xóm” khi dự án Kho lưu trữ thế giới sẽ sớm được hoàn thành. Căn hầm mới cũng được xây dựng dưới lớp băng vĩnh cửu tại Svalbard, cách Bắc cực khoảng 1.000 km với nhiệt độ luôn ở mức dưới 0°C. Thay vì trữ lương thực, Kho lưu trữ thế giới sẽ vận hành như một thư viện để chính phủ các nước, tổ chức khoa học, cũng như các cá nhân có thể lưu giữ những dữ liệu quan trọng về văn hóa, lịch sử... một cách an toàn.
Theo chuyên trang Live Science, dự án này do Tập đoàn khai khoáng nhà nước Store Norske (Na Uy) phát động và chịu trách nhiệm chính. Giám đốc Pål Berg của Store Norske đánh giá Hầm hạt giống toàn cầu là một thành công lớn nhưng để nhân loại có thể sống sót và xây dựng lại nền văn minh nếu có thảm họa xảy ra thì chỉ có lương thực thôi là chưa đủ. Theo ông, trong thời đại hậu thảm họa, internet sẽ không còn, những thiết bị điện tử sẽ trở thành sắt vụn và nhiều di sản tinh thần của loài người có nguy cơ biến mất vĩnh viễn.
Đặc biệt, trong Kho lưu trữ thế giới sẽ không chứa sách cổ, phim, CD hay ổ cứng mà Công ty Piql của Na Uy sẽ phụ trách chuyển đổi mọi thông tin được gửi đến thành một tín hiệu đặc biệt in lên những tấm phim cảm quang làm từ vật liệu đặc biệt không bị ăn mòn. Live Science dẫn lời ông Rune Bjerkestrand, người sáng lập Piql, cho hay quá trình này tương tự như việc biến dữ liệu thành “các mã QR lớn trên tấm phim” hoặc chữ được khắc lên đá. Với kỹ thuật này, các dữ liệu sẽ tồn tại nguyên dạng, không bị hư hại và cũng không thể chỉnh sửa. Các tấm phim sẽ được cho vào hộp an toàn và đặt trong căn hầm. Piql tuyên bố mỗi tấm phim đặc biệt như vậy có tuổi thọ 500 - 1.000 năm. Mặt khác, cách tồn trữ này không đòi hỏi phải có thiết bị giải mã phức tạp khi cần truy xuất.
Đến nay, chưa có thông tin về chế độ bảo vệ của Kho lưu trữ thế giới. Tuy nhiên, tương tự như Hầm hạt giống toàn cầu, căn hầm nằm sâu dưới lớp băng và được cho là đủ sức chống chịu những vụ nổ lớn nhất, thậm chí là cả sự tấn công hạt nhân. Ngoài ra, quần đảo Svalbard được chọn nhờ vỏ trái đất nơi đây hầu như không có hoạt động địa chất nên tránh được nguy cơ động đất, núi lửa. Cái lạnh quanh năm là điều kiện lý tưởng cho công tác bảo tồn trong khi độ cao 130 m trên mực nước biển giúp giữ không khí luôn khô ráo.
Mặt khác, Svalbard không có vị trí chiến lược về quân sự và hầu như không chứa tài nguyên gì nên sẽ không phải là đối tượng tấn công trong trường hợp chiến tranh.
Đến nay, theo chuyên san Smithsonian của Viện Smithsonian (Mỹ), đã có Thư viện lưu trữ quốc gia Brazil gửi bản hiến pháp nước này còn Mexico giao những tài liệu khảo cổ, lịch sử quan trọng từ thời Đế chế Inca (thế kỷ 13 - 16) để bảo tồn trong Kho lưu trữ thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.