Theo Reuters ngày 16.8, hai chiếc F-22 của Không quân Mỹ thuộc phi đội tiêm kích số 95, Không đoàn tiêm kích số 325 có căn cứ ở Tyndall, bang Florida. Hai chiếc tiêm kích này thuộc nhóm 13 chiếc F-22 Mỹ vừa đưa sang bố trí ngắn hạn tại châu Âu và tham gia hàng loạt cuộc diễn tập tại đây. Hôm 14.8, hai chiếc F-22 nói trên đã cất cánh từ căn cứ không quân Spangdahlem ở Đức đến căn cứ Orland, Na Uy tham gia diễn tập cùng không quân nước này.
Dù chỉ mới đến 1 ngày, hôm sau 2 chiến đấu cơ tàng hình F-22 của Mỹ đã cất cánh diễn tập không chiến với đối thủ là 2 chiếc tiêm kích tàng hình F-35A của Na Uy vào ngày 15.8.
|
Thiếu tá Morten Hanche, bay trên 1 chiếc F-35A của Na Uy, nói rằng cuộc diễn tập không chiến với F-22 là một buổi thực hành tuyệt vời, đặc biệt với loại F-35 từng gây ra những ngạc nhiên lớn lao khi áp đảo hoàn toàn các loại tiêm kích không có khả năng tàng hình trong các cuộc diễn tập không chiến vừa qua.
tin liên quan
Công nghệ đã giết chết không chiến như thế nào?
Còn đại tá Leslie Hauck, trưởng bộ phận tích hợp chiến đấu cơ thế hệ thứ năm tại trụ sở của Không quân Mỹ ở châu Âu, nói với các phóng viên tại căn cứ Orland rằng việc triển khai F-22 tại Na Uy sẽ đặt nền tảng cho các đồng minh NATO về việc tích hợp các khả năng chiến đấu tàng hình. “Mỗi cơ hội huấn luyện khiến chúng ta có nhiều hơn sự chuẩn bị đối phó với các kẻ thù tiềm năng trong tương lai”.
Orland cũng là nơi bố trí 9 tiêm kích tàng hình F-35A Na Uy mua từ Mỹ, hiện đã nhận được 6 chiếc. Na Uy dự kiến mua tổng cộng 52 chiếc F-35.
|
Tuy cả hai phía Mỹ và Na Uy không tiết lộ ai là người thắng cuộc trong buổi diễn tập không chiến vừa qua, nhưng hồi tháng 5.2018, tạp chí The National Interest có bài viết phân tích trường hợp không chiến giữa F-22 và F-35, và kết luận rằng F-22 sẽ chiến thắng vì đây là loại chiến đấu cơ tàng hình được thiết kế nhằm giành phần thắng trong các cuộc không chiến. Còn F-35 được thiết kế phục vụ việc vượt qua các mạng lưới radar của đối phương để tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất.
F-22 được thiết kế có tính tàng hình rất cao, hiệu suất khí động học và khả năng cơ động cực cao. Loại tiêm kích này chỉ có Không quân Mỹ sử dụng, không bán cho nước nào khác. Còn F-35 cũng có tính tàng hình cao, khả năng nối mạng chia sẻ thông tin rộng rãi, nhưng hiệu suất khí động học được cho là ngang với loại F-16 hoặc F/A-18, theo The National Interest.
|
F-22 do tập đoàn Lockheed Martin hợp tác với Boeing phát triển từ năm 1986, chính thức hoạt động trong Không quân Mỹ từ cuối năm 2005, và chỉ sản xuất với số lượng giới hạn 195 chiếc (gồm 8 chiếc dùng thử nghiệm). Có 4 chiếc bị tai nạn nên nay số lượng máy bay thực chiến còn 187 chiếc và 4 chiếc dùng thử nghiệm. F-22 dài 19 m, chiều dài cánh 13,56 m, khối lượng đầy tải cất cánh (có vũ khí) là 29,4 tấn, trang bị 2 động cơ. Tốc độ tối đa 2.400 km/giờ, tầm hoạt động 3.000 km, bán kính chiến đấu 850 km.
|
Còn F-35 là dòng chiến đấu cơ tàng hình phát triển trên cơ sở hợp tác của Mỹ với 8 nước đồng minh, gọi là chiến đấu cơ tích hợp (JSF). Năm 1997, Tập đoàn Lockheed Martin được chọn tham gia phát triển JSF, và năm 2001 thắng thầu với mẫu F-35, phối hợp với Northrop Grumman và BAE Systems của Anh để sản xuất. Năm 2006, chiếc F-35 đầu tiên cất cánh bay thử, năm 2011 đi vào sản xuất. F-35 (loại A) dài 15,7 m, chiều dài cánh 10,7 m, khối lượng đầy tải cất cánh (có vũ khí) là 22,4 tấn, trang bị 1 động cơ. Tốc độ tối đa 1.930 km/giờ, tầm hoạt động 2.200 km, bán kính chiến đấu 1.200 - 1.400 km.
|
F-35 có 3 loại: F-35A dành cho không quân, cất và hạ cánh trên đường băng mặt đất như máy bay chiến đấu bình thường; F-35B dành cho thủy quân lục chiến, có khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng như trực thăng, có thể bố trí trên tàu đổ bộ hoặc tàu sân bay. F-35C dùng cho tàu sân bay (Hải quân Mỹ), to lớn hơn so với 2 loại kia.
Xem tiêm kích tàng hình F-35B của Không quân Anh hạ cánh thẳng đứng, tại căn cứ Marham ngày 24.7.2018 (Bộ Quốc phòng Anh)
|
Bình luận (0)