Dù đã được đầu tư cấp tập trong 20 năm qua, tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc vẫn dễ dàng trở thành con mồi của đối phương.
Một cặp tàu ngầm lớp Tấn của Trung Quốc - Ảnh: Jamestown.org |
Hải quân Trung Quốc được cho là đang sở hữu 68 tàu ngầm, chỉ đứng sau Mỹ (72 tàu), CHDCND Triều Tiên (70 tàu) và hơn cả Nga (55 tàu). Trong số này có 4 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mang tên lửa đạn đạo gắn đầu đạn hạt nhân (SSBN), 5 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) và 59 tàu động cơ diesel, theo báo cáo của Văn phòng Tình báo hải quân Mỹ (ONI).
Điều đáng lưu ý là tất cả 4 chiếc SSBN Type 094 (hay còn được gọi là lớp Tấn) đều phục vụ trong Hạm đội Nam Hải với địa bàn hoạt động ở Biển Đông. Hồi tháng 9, Reuters dẫn lời chuyên gia Trương Bá Hối thuộc Đại học Lĩnh Nam ở Hồng Kông nhận định rằng khả năng một trong những mục đích của các cơ sở phi pháp do Trung Quốc xây dựng trên Biển Đông là nhằm góp phần bảo vệ các tàu ngầm lớp Tấn trong trường hợp xảy ra xung đột.
Tại sao Bắc Kinh phải tìm mọi cách bảo bọc cho lớp tàu ngầm được ca ngợi là hiện đại bậc nhất, đóng vai trò cốt lõi trong chiến lược răn đe hạt nhân của mình? Lý do là theo các chuyên gia, tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc có những nhược điểm chết người và còn lâu mới sánh được các tàu cùng loại của Nga hay Mỹ.
Ồn hơn cả “đồ cổ”
Trong bài bình luận mới trên chuyên trang The National Interest, chuyên gia Dave Majumdar trích báo cáo từ ONI cho hay khi hoạt động, tàu SSBN lớp Tấn và SSN lớp Thương phát ra tiếng động còn lớn hơn cả tàu ngầm lớp Delta III do Liên Xô sản xuất trong thập niên 1970. Thậm chí tàu SSN lớp Tùy sắp được đưa vào hoạt động cũng bị cho là sẽ ồn ào hơn tàu cùng loại của Liên Xô.
Tương tự, Chuẩn đô đốc Sumihiko Kawamura, cựu chỉ huy Đơn vị chống tàu ngầm thuộc Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF) đánh giá tàu ngầm Trung Quốc dễ theo dõi hơn rất nhiều so với tàu ngầm thời Liên Xô. “Khi đi lại, tàu ngầm Trung Quốc như đang khua chiêng hoặc gõ trống”, tờ The Japan Times dẫn lời ông Kawamura nhận định.
Vị chuẩn đô đốc này cho biết thêm khi xưa MSDF phối hợp với hải quân Mỹ đã có thể theo dõi hầu hết các tàu ngầm Liên Xô nên giờ đây càng thừa sức ứng phó tàu ngầm hạt nhân kém hơn của Trung Quốc. “Liên quan đến cuộc chiến tàu ngầm và chống tàu ngầm, Trung Quốc đi sau chúng ta 30 năm”, ông Kawamura bình luận với The Japan Times.
Theo các chuyên gia, không cần tới công nghệ radar hay sonar quá hiện đại, các bên khác có thể dễ dàng phát hiện những tàu ngầm hạt nhân cồng kềnh và “ồn như xe máy cày” của Trung Quốc. Vì thế, chúng trở thành mục tiêu dễ dàng cho các tàu ngầm phi hạt nhân linh hoạt và cực kỳ êm như tàu lớp Kilo do Nga sản xuất hay tàu lớp Soryu của Nhật. Đặc biệt, trong điều kiện biển nông và nhiều bãi đá ngầm, bãi cạn như ở Biển Đông thì một đội Kilo có thể “dọn” được một tàu ngầm hạt nhân ồn ào.
Trong một cuộc phỏng vấn trước đây với Thanh Niên, Cựu tùy viên quân sự Pháp tại Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc Daniel Schaeffer nhận định tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn không đủ kín đáo để có thể điều động từ căn cứ ở Hải Nam đến các khu vực tuần tra mà không bị phát hiện. Vì thế, một trong những ý đồ chiến lược của Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông là nhằm ngăn chặn tàu Mỹ hay Nhật đến vùng biển này, từ đó tạo không gian hoạt động và bảo vệ an toàn cho tàu lớp Tấn lẫn các lớp ngầm hạt nhân khác trong tương lai.
Thiếu công nghệ
Những nhận định trên cho thấy Trung Quốc vẫn chưa thành công trong cuộc đua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với Mỹ và Nga, dù đã dồn sức người sức của cho lĩnh vực này trong 2 thập niên qua.
The National Interest dẫn lời chuyên gia Jerry Hendrix, hiện là Giám đốc Chương trình đánh giá chiến lược quốc phòng thuộc tổ chức nghiên cứu CNAS (Washington D.C, Mỹ), lý giải rằng kỹ thuật chế tạo hàng hải của Trung Quốc chưa đủ tầm để áp dụng cho tàu ngầm dù nước này có thể đã tiếp thu một số công nghệ lực đẩy, giảm tiếng ồn và làm êm từ tàu ngầm lớp Kilo.
Còn theo phân tích của Phó giám đốc Trung tâm sức mạnh biển Mỹ Bryan McGrath, chương trình tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc tụt lại phía sau so với các lĩnh vực hải quân khác của nước này vì 2 lý do chính. Lý do thứ nhất là cho đến cách đây 20 năm, Trung Quốc không ưu tiên cho việc thiết kế, phát triển và đóng tàu ngầm hạt nhân. Lý do thứ hai là để cho ra đời được một chiếc tàu ngầm hạt nhân “đạt chuẩn” như của Nga và Mỹ đòi hỏi kỹ thuật và công nghệ cực kỳ phức tạp.
“Việc Trung Quốc gia nhập cuộc đua tàu ngầm hạt nhân khá muộn khiến họ thiếu những kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết. Để xây dựng được một chiến lược phát triển tàu ngầm hạt nhân hiệu quả đòi hỏi phải có thời gian, sự tập trung và rất có thể là phải sử dụng cả gián điệp công nghiệp mới có được”, ông McGrath nhận định.
Bình luận (0)