Tín hiệu tích cực từ thượng đỉnh Mỹ - Triều

Bảo Vinh
Bảo Vinh
02/03/2019 06:30 GMT+7

Giới quan sát cho rằng mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un sau cuộc gặp ở Hà Nội sẽ là nền tảng cho nhiều kết quả tích cực trong tương lai.

Cuộc gặp lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un của CHDCND Triều Tiên ngày 28.2 kết thúc với diễn biến bất ngờ và hai bên không đạt được thỏa thuận nào. Tuy nhiên, giới quan sát quốc tế cho rằng đây không phải là thất bại mà chỉ là một phần trong tiến trình đàm phán lâu dài giữa hai nước. “Những cuộc đối thoại này không phải là thất bại”, chuyên gia David Kim tại Trung tâm nghiên cứu chính sách Stimson (Mỹ) khẳng định với AFP. Theo ông Kim, việc xây dựng mối quan hệ giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim là một hành trình dài và chừng nào hai bên còn gắn kết với nhau thì có thể mong đợi những kết quả tích cực trong tương lai.
Trong khi đó, chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên Andrei Lankov, chủ sở hữu trang NK News, lý giải rằng có thể vì cả hai phía chưa có đủ thời gian và ý chí để đưa ra những nhượng bộ mà đôi bên chấp nhận được trong cuộc gặp lần này nên việc hội nghị kết thúc mà không đạt thỏa thuận là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, ông Lankov đặc biệt nhấn mạnh đến thái độ của hai phía sau khi kết thúc hội nghị. Trong cuộc họp báo ngày 28.2, Tổng thống Trump vẫn mô tả Chủ tịch Kim bằng những từ ngữ lịch sự nhất và đề cao mối quan hệ mà hai người đã thiết lập cũng như tiềm năng phát triển to lớn của Triều Tiên. Bên cạnh đó, Tổng thống Trump cũng cho hay cuộc đàm phán đã diễn ra và kết thúc trong không khí thân thiện: “Đó không phải là hành động bỏ đi như bình thường. Không, đó là điều rất thân thiện. Chúng tôi đã bắt tay nhau”.
Nhiều người chỉ trích có thể cho rằng cuộc gặp chưa đưa ra được kết quả thực chất hoặc đặt câu hỏi rằng có mối quan hệ tốt để làm gì khi Triều Tiên vẫn chưa giải trừ kho vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, điều quan trọng là hai nhà lãnh đạo đã thẳng thắn đưa ra quan điểm và cho thấy giới hạn của nhau. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng đánh giá cao việc đối thoại và cải thiện mối quan hệ giữa hai nước từng đứng ở hai đầu chiến tuyến. “Chúng ta không nên bỏ qua thực tế rằng đây là một trong những lần đầu tiên kể từ khi bán đảo Triều Tiên bị chia cắt sau Thế chiến 2, lãnh đạo của Mỹ và Triều Tiên đang đối thoại trực tiếp và có thể đã phát triển được sự tin tưởng với nhau”, cây bút bình luận Daniel DePetris viết trên Fox News. “Thượng đỉnh Hà Nội có thể đã kết thúc bất ngờ nhưng thế giới lúc này vẫn an toàn hơn giai đoạn “lửa và cuồng nộ”, nhà báo Will Ripley của CNN viết trên Twitter, nhắc đến thời điểm căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên ở đầu nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ. “Tổng thống Trump đã không nhượng bộ quá nhiều. Ông ấy đã bước đi khỏi một thỏa thuận bị cho là tồi trong khi vẫn để mở cánh cửa ngoại giao”.
Hôm qua, truyền thông Triều Tiên cũng có những bài viết phản ánh tích cực về hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) nhấn mạnh Chủ tịch Kim và Tổng thống Trump tự tin rằng mối quan hệ song phương có thể đạt những cải thiện mang tính đột phá nếu tiếp tục hợp tác với nhau “bằng sự sáng suốt và kiên nhẫn”. KCNA cho biết hai nhà lãnh đạo đã đồng ý tiếp tục đối thoại trong thời gian tới về việc phi hạt nhân hóa và cải thiện mối quan hệ Mỹ - Triều. Trong khi đó, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, nói cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại VN là cơ hội ý nghĩa để phát triển mối quan hệ song phương, đóng góp cho hòa bình, ổn định. “Chủ tịch Kim cảm ơn Tổng thống Trump vì đã nỗ lực tích cực cho cuộc gặp và đối thoại diễn ra thành công và lời hứa về cuộc gặp tiếp theo”, tờ báo viết.
Trả lời Thanh Niên, GS Alexander L.Vuving (Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Honolulu, Mỹ) đánh giá để đạt được thỏa thuận thực chất giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ cần phải trải qua nhiều cuộc gặp chứ không thể kết lại ở một, hai cuộc. "Bây giờ vẫn đang là quá trình xây dựng niềm tin, đồng thời cũng “nắn gân” lẫn nhau để xem giới hạn của đối phương như thế nào. Mặc dù hội nghị thượng đỉnh lần này không đạt được thỏa thuận nhưng ý muốn ngồi xuống đàm phán của cả Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un không có dấu hiệu nhạt đi. Có thể nói rằng hai bên chưa thể đạt thỏa thuận lần này một phần vì áp lực đối nội, phần nữa là thời gian cho các cuộc tiếp xúc, đàm phán giữa hai bên chưa đủ. Tuy nhiên, tôi tin hai bên sẽ tiếp tục giữ liên lạc và cả hai nhà lãnh đạo đều mong muốn có cuộc gặp thứ ba", chuyên gia này nhận định.
Ngọc Mai (thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.