Ngày 23.8, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho cảnh báo sẽ là sai lầm nếu Mỹ cố dùng lệnh cấm vận để đối phó chính quyền Bình Nhưỡng. “Mỹ sẽ mắc sai lầm một cách đáng buồn nếu vẫn nghĩ đối đầu với CHDCND Triều Tiên bằng các lệnh cấm vận... Vậy thì chúng tôi vẫn sẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ trong thời gian dài và sẽ làm họ hiểu rõ điều phải làm để phi hạt nhân hóa”, KCNA dẫn lời ông Ri đồng thời nhấn mạnh Bình Nhưỡng sẵn sàng cho đối thoại lẫn đối đầu. Ngoại trưởng Triều Tiên còn chỉ trích người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo cản trở đối thoại song phương sau khi ông Pompeo hôm 20.8 nói rằng nếu Bình Nhưỡng không giải trừ vũ khí hạt nhân, Washington “sẽ duy trì các lệnh cấm vận nặng nhất trong lịch sử”.
Trước đó ngày 22.8, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định Bình Nhưỡng vẫn không thay đổi lập trường của mình giải quyết tất cả vấn đề thông qua ngoại giao và đàm phán nhưng không phải là đối thoại đi kèm với đe dọa quân sự. “Những động thái quân sự bất thường và nguy hiểm đang ló dạng, sẽ gây ra một cuộc chiến tranh lạnh mới trên bán đảo Triều Tiên và trong khu vực”, người phát ngôn cảnh báo. Hôm 18.8, quân đội Mỹ phóng thử tên lửa hành trình Tomahawk từ trên bộ và đến ngày 21.8, Mỹ bàn giao thêm 2 chiến đấu cơ tàng hình F-35A cho Hàn Quốc, theo một số nguồn tin tiết lộ với Yonhap. Theo kế hoạch, thêm 10 chiếc F-35A sẽ được giao cho Hàn Quốc đến cuối năm 2019 và Seoul sẽ triển khai tổng cộng 40 chiến đấu cơ này đến năm 2021. Lâu nay, Triều Tiên chỉ trích Hàn Quốc nhập khẩu những vũ khí tiên tiến, kể cả F-35A, và gọi đó là hành động “khiêu khích nghiêm trọng”.
Trong khi đó, sau cuộc gặp kéo dài một giờ đồng hồ với Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun ở Seoul, Phó cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Hyun-chong hôm 22.8 dự đoán Washington và Bình Nhưỡng sẽ sớm nối lại đàm phán và mọi thứ sẽ “diễn ra tốt đẹp”, theo Reuters. Trước đó, ông Biegun nói Washington sẵn sàng nối lại đàm phán phi hạt nhân ngay khi phía Triều Tiên có động thái tương tự. Trong cuộc gặp ở Khu phi quân sự liên Triều hôm 30.6, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un nhất trí nối lại đàm phán hạt nhân, nhưng đến nay quan chức hai bên vẫn chưa gặp nhau.
Giới chuyên gia đánh giá những tuyên bố mang tính chỉ trích như trên của Triều Tiên cho thấy sự không hài lòng với Mỹ và là dấu hiệu Bình Nhưỡng không vội nối lại đàm phán song phương. Ngoài ra, việc Triều Tiên phóng tên lửa liên tiếp gần đây có thể nhằm tăng vị thế trước khi tiến tới đàm phán với Mỹ, theo Yonhap.
Bình luận (0)