Toàn cảnh chiến dịch tiêu diệt IS ở thành phố Raqqa

08/11/2016 20:52 GMT+7

Nếu thất thủ ở thành phố Raqqa (Syria), tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) coi như đã cận kề ngày diệt vong. Trận địa này có tầm quan trọng thế nào, và đang bao gồm những cánh quân nào tham chiến?

Lực lượng người Kurd và đồng minh phối hợp với liên quân do Mỹ dẫn đầu ngày 5.11 tuyên bố khởi động chiến dịch bao vây Raqqa, thành phố được xem là thành trì của IS tại Syria. Đây sẽ là chiến dịch quan trọng bậc nhất của liên quân trong cuộc chiến chống IS suốt 2 năm qua, có thể cũng là trận đánh quyết định để tiêu diệt tổ chức này.

Tại sao là Raqqa?

Raqqa, còn có những tên khác như al-Raqqah, Rakka hay Ar-Raqqah, là thành phố nằm phía bắc Syria, ở bờ đông bắc của sông Euphrates. Thành phố này đã rơi vào tay IS từ năm 2013, giữa lúc cuộc nội chiến ở Syria diễn ra rầm rộ. Tới năm 2014, Raqqa đóng vai trò là thành trì của IS. Đây cũng là thành phố lớn nhất IS chiếm được ở Syria.

Raqqa trên bản đồ nằm gần như ngang với thành phố Mosul ở Iraq. IS xem hai thành phố này, nằm trong dải đất cắt ngang phía bắc hai nước Syria và Iraq, là khởi nguồn cho tham vọng thành lập một “đế chế Hồi giáo” (Caliphate).

Bản đồ khu vực IS đang chiếm đóng (vùng màu đậm) trải dài lãnh thổ phía bắc Iraq và Syria, trong đó có hai điểm nóng Mosul và Raqqa IHS Conflict Monitor

Nói cách khác, nếu Mosul là cứ điểm quan trọng nhất của IS tại Iraq, thì Raqqa đóng vai trò tương tự ở Syria và cũng là địa điểm mang tính biểu tượng của IS - nơi thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi tuyên bố thành lập “Caliphate”.

“Tầm quan trọng của Raqqa nằm ở chỗ, đó là nơi IS lên kế hoạch khủng bố ở những nơi khác. Raqqa được xem là trung tâm tài chính, chỉ huy và thực hiện các chiến dịch khủng bố”, CNN dẫn lời Tư lệnh Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) khẳng định.

Ở Raqqa có khoảng 200.000 người sinh sống, đa phần là người Ả Rập Sunni. Ngoài ra, theo ước tính thành phố này còn có khoảng 5.000 tay súng IS hoạt động. Người phát ngôn của liên quân Mỹ chống IS, ông John Dorrian nhận xét rằng việc đánh từ phía đông Raqqa sẽ đồng nghĩa việc chặn đúng lối thoát cửa hậu của IS tại cả Raqqa lẫn Mosul.

Ai đang chiến đấu ở Raqqa?

SDF là liên quân mới thành lập từ năm 2015, với sự hợp tác giữa các tay súng người Kurd, một nhóm người Assyria theo đạo Thiên Chúa cùng các tay súng dân quân Ả Rập. Nòng cốt của SDF chính là Lực lượng Dân quân người Kurd (YPG), lực lượng phối hợp đánh IS hiệu quả nhất của Mỹ tại Syria.

Trong chiến dịch này, SDF cũng sẽ nhờ vào sự hỗ trợ từ các đợt không kích của Mỹ. CNN cho biết hiện có gần 300 đặc nhiệm Mỹ đang làm cố vấn cho SDF.

Lãnh đạo SDF họp báo công bố chiến dịch Raqqa tuần trước Reuters

Thách thức lớn nhất của SDF là lực lượng mặt đất để đánh IS. Đa phần các nhà phân tích đều nhận xét chiến dịch tại Raqqa sẽ khó khăn hơn chiến dịch ở Mosul, vì liên quân không có lực lượng mặt đất hùng hậu để thực hiện các cuộc đột kích. Ngoài ra, xung quanh Raqqa hầu như không có lực lượng đồng minh người bản địa nào hỗ trợ SDF, ngoại trừ các tay súng dân quân người Kurd.

Khúc mắc nào ở Raqqa?

Trên thực tế ngoài nhiệm vụ tiêu diệt IS, câu hỏi lớn phía sau chiến dịch ở Raqqa là ai sẽ tiếp quản thành phố này. Nếu SDF chiến thắng, dự kiến người dân Raqqa với đa phần là người Hồi giáo dòng Sunni, có thể phải chuyển đi nơi khác sinh sống, vì nòng cốt của SDF là người Kurd. Bản thân người Kurd cũng không giấu ý định thành lập chính quyền riêng. Hiện tại, người Kurd hiện diện chủ yếu ở 4 nước gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Syria và Iran.

Bên cạnh đó, việc giải phóng Raqqa tất nhiên cũng sẽ liên quan tới chính phủ Syria, hiện do Tổng thống Bashar al-Assad đứng đầu. Mục tiêu của chính quyền Syria là thống nhất đất nước, trong khi ở Syria có rất nhiều nhóm nổi dậy, mà SDF thực chất là một liên minh trong số các nhóm nổi dậy ấy. “Miếng bánh” Raqqa và Syria nói chung vẫn còn là chủ đề rất dài cho giải pháp hòa bình Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò gì?

Không có tranh chấp lãnh thổ gì ở Syria, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại là một thế lực gây phức tạp thêm cho tình hình ở đây.

Ankara cũng ủng hộ một nhóm nổi dậy ở Syria chống chính quyền al-Assad, được gọi là Quân đội Syria Tự do (FSA). FSA và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tiến hành chiến dịch chống IS, nhưng không tìm thấy tiếng nói chung với các bên, nên không tham gia vào chiến dịch ở Raqqa.

Thổ Nhĩ Kỳ không chấp nhận sự hiện diện của người Kurd trong chiến dịch Raqqa, trong lúc SDF với phần đa là người Kurd. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị xem là khủng bố. Trong khi đó PKK cũng bị Ankara xem như tổ chức có liên hệ mật thiết với Lực lượng Dân quân người Kurd (YPG) - nhánh quân sự đang hỗ trợ phần lớn cho SDF ở Raqqa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.