Trong ngày 14.8, Quảng trường Độc lập ở thủ đô Minsk của Belarus chứng kiến cảnh tượng người biểu tình ôm hôn cảnh sát chống bạo động đứng gác trước một tòa nhà của chính phủ. Họ còn cắm hoa vào các tấm khiên chống bạo động của cảnh sát. Điều này hoàn toàn trái ngược với hình ảnh những vụ đụng độ dữ dội trước đó trong tuần này và cảnh sát chỉ lặng lẽ đứng nhìn, theo AFP.
Nhiều nhóm công nhân từ các nhà máy cũng tham gia biểu tình, diễu hành đến quảng trường, hô vang khẩu hiệu yêu cầu ông Lukashenko phải ra đi và "Belarus muôn năm!". Đám đông người biểu tình nhảy múa, ca hát và bật đèn pin điện thoại di động thắp sáng rồi dần dần giải tán vào tối 14.8.
Lãnh đạo phe đối lập Svetlana Tikhanovskaya kêu gọi tiếp tục biểu tình phản đối ông Lukashenko trong hai ngày cuối tuần này.
Bà Tikhanovskaya và những người ủng hộ phản đối kết quả sơ bộ bầu cử hôm 9.8, theo đó ông Lukashenko chiến thắng, giành được hơn 80% tổng số phiếu bầu. Kể từ đó, hàng chục ngàn người xuống đường biểu tình ở thủ đô Minsk cùng các thành phố khác trong 6 ngày qua, dẫn đến những vụ đụng độ với cảnh sát chống bạo động.
|
Bà Tikhanovskaya còn tuyên bố thành lập cái gọi là Hội đồng Điều phối nhằm đảm bảo chuyển giao quyền lực và đề nghị chính phủ nước ngoài hỗ trợ xúc tiến đối thoại với chính quyền Tổng thống Lukashenko. Bà yêu cầu chính quyền thả tất cả những người biểu tình đang bị giam giữ.
Trong động thái bất ngờ, Bộ Nội vụ Belarus ngày 14.8 xác nhận cảnh sát đã thả hơn 2.000 người biểu tình trong tổng số 6.700 người bị bắt kể từ khi các cuộc biểu tình bùng nổ và 2 người biểu tình thiệt mạng.
EU sẵn sàng trừng phạt
Trong cuộc họp trực tuyến khẩn cấp ngày 14.8, các ngoại trưởng EU nhất trí về một danh sách lệnh cấm vận nhắm vào chính phủ Belarus. Trên Twitter, Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde cho rằng: "EU sẽ bắt đầu tiến trình cấm vận nhắm vào những người phải chịu trách nhiệm trước việc đàn áp, bắt giữ vô cớ người biểu tình và gian lận bầu cử".
Về phần mình, Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makeinh khẳng định chính phủ sẵn sàng tiến hành "đối thoại mang tính xây dựng và khách quan với đối tác nước ngoài" về cuộc bầu cử.
Tuy nhiên, Tổng thống Lukashenko, lãnh đạo Belarus kể từ năm 1994, gọi người biểu tình là "những con cừu bị nước ngoài sai khiến, những người có tiền án tiền sự đang thất nghiệp".
Trong cuộc họp với các quan chức an ninh và cảnh sát Belarus, ông Lukashenko đã kêu gọi kiềm chế và nói: "Nếu một người biểu tình ngã xuống thì không nên đánh đập anh ta".
Bình luận (0)