Trước đó hồi tháng 2, Tổng thống Putin đã tuyên bố sẽ ngưng thực thi các điều khoản của hiệp ước trên sau khi người đồng cấp Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi INF.
Chính quyền Washington hồi tháng 10 năm ngoái tuyên bố rời khỏi hiệp ước được thi hành vào năm 1988, với nội dung cấm cả Liên Xô lẫn Mỹ phát triển và triển khai các tên lửa hành trình từ bệ phóng trên bộ và tên lửa đạn đạo có tầm bắn từ 500-5.500 km.
Mục đích của thỏa thuận trên là nhằm giảm căng thẳng tại châu Âu. Vào thời điểm đó, cả hai nước sở hữu hàng chục tên lửa dạng này tại các cứ điểm trên lục địa già, làm dấy lên quan ngại về nguy cơ đụng độ hạt nhân giữa hai thế lực vào thời Chiến tranh Lạnh.
Những tên lửa trên chỉ mất vài phút để bay đến mục tiêu, và vì vậy nguy cơ bùng nổ đối đầu ngoài ý muốn càng lớn.
Sau 3 thập niên, thỏa thuận này đến hồi chấm dứt sau khi cả Mỹ - Nga lần lượt tố cáo lẫn nhau vi phạm hiệp ước.
Mỹ tố Nga bí mật phát triển tên lửa cấm, nhưng Moscow luôn bác bỏ. Còn Điện Kremlin bày tỏ quan ngại về công nghệ phòng không của Lầu Năm Góc, theo đó sử dụng tên lửa tầm trung làm nhân tố chính.
Ngoài ra, Nga kịch liệt phản ứng quyết định của Mỹ điều AEGIS Ashore, hệ thống có khả năng được hoán cải để phóng tên lửa hành trình Tomahawk, tại Romania và Ba Lan.
Hồi tháng 5, Tổng thống Trump nêu lên ý tưởng ký kết “một thỏa thuận hạt nhân mới” với Nga sau cuộc điện đàm kéo dài cả giờ với ông Putin, theo đó bao gồm nhân tố mới là Trung Quốc.
Tuy nhiên, vào thời điểm Tổng thống Putin ký đình chỉ INF, cuộc đàm phán vẫn chưa có kết quả.
Bình luận (0)