Tổng thống và thủ tướng Mali 'từ chức' sau khi bị bắt

27/05/2021 12:30 GMT+7

Tổng thống và thủ tướng của chính phủ lâm thời Mali đã "từ chức", hai ngày sau khi bị quân đội bắt giữ trong một cuộc chính biến.

“Tổng thống Bah Ndaw và Thủ tướng Moctar Ouane đã từ chức. Các cuộc đàm phán để thả họ và và thành lập một chính phủ mới đang diễn ra”, Reuters dẫn lời Baba Cisse, một phụ tá của Phó tổng thống - Đại tá Assimi Goita, người đang nắm quyền ở Mali, cho biết ngày 26.5.
Cả Tổng thống Bah Ndaw và Thủ tướng Moctar Ouane vẫn đang bị quân đội Mali quản thúc tại căn cứ quân đội Kati, bên ngoài thủ đô Bamako của Mali vào ngày 26.5, theo The Guardian. Phó tổng thống Assimi Goita, người từng lãnh đạo một cuộc đảo chính vào tháng 8.2020, một lần nữa dàn xếp cuộc chính biến diễn ra ngày 24.5 ở Mali.

Sau chính biến, quân đội nói tổng thống và thủ tướng Mali đã "từ chức"

Ông Goita nói vụ việc ngày 24.5 diễn ra vì chính phủ lâm thời trước đó cùng ngày cải tổ nội các và loại bỏ hai bộ trưởng do quân đội bổ nhiệm. Trong một chương trình phát sóng ngày 25.5, ông Goita nói cuộc cải tổ này là nỗ lực nhằm “phá hoại” thỏa thuận chuyển tiếp đạt được sau cuộc đảo chính tháng 8.2020.
Phái đoàn của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đang cấp bách giải quyết cuộc khủng hoảng mới nhất ở Mali. Việc quân đội loại bỏ các nhà lãnh đạo dân sự và nhanh chóng thành lập chính phủ chuyển tiếp mới sẽ giúp củng cố quyền lực của họ trước cuộc bầu cử tháng 2.2022.
Cộng đồng quốc tế đã lên án việc quân đội Mali làm cuộc chính biến thứ hai chỉ trong vòng chưa đầy 10 tháng. Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu, Liên minh châu Phi và Mỹ đã lên án "vụ bắt cóc" tổng thống và thủ tướng Mali ngày 24.5. Họ cũng cảnh báo sẽ đưa ra các lệnh trừng phạt.
Kể từ khi cựu Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita của Mali bị lật đổ vào tháng 8.2020, căng thẳng giữa chính quyền dân sự và quân đội Mali liên tục gia tăng. Ông Ndaw và Ouane đã được giao nhiệm vụ giám sát quá trình chuyển đổi sang chính quyền dân sự trong 18 tháng. Trước áp lực từ các nhóm đối lập và xã hội dân sự cho rằng chính phủ chuyển tiếp phải có khả năng hành động độc lập với quân đội, hai ông đã thực hiện cuộc cải tổ ngày 24.5.
Quân đội Mali ngày càng có sức ảnh hưởng lên chính trị nước này trong thập kỷ qua, gây ra tình trạng hỗn loạn. Quốc gia Tây Phi này cũng đang phải chống lại các tay súng Hồi giáo có liên hệ với al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.