Trắc trở nghị quyết đầu tiên của HĐBA về Covid-19

30/04/2020 07:42 GMT+7

Hội đồng Bảo an LHQ lên kế hoạch kêu gọi ngừng bắn vì lý do nhân đạo kéo dài 90 ngày tại các điểm nóng xung đột của thế giới , trong bối cảnh toàn cầu phải tiếp tục chống dịch Covid-19.

Hồi tuần trước, sau hơn một tháng bất đồng vì tranh cãi giữa 3 thành viên thường trực là Mỹ, Nga và Trung Quốc, HĐBA LHQ dự kiến chuẩn bị thông qua nghị quyết đầu tiên về dịch Covid-19.
Dự thảo nghị quyết hiện tại, do Pháp và Tunisia đồng thời soạn thảo, kêu gọi “tăng cường hợp tác giữa các nước”, “ngưng các hành vi thù địch” và “ngừng bắn vì nhân đạo” tại các nước đang nổ ra xung đột. Nếu dự thảo ban đầu kêu gọi ngừng bắn trong vòng 30 ngày, dự thảo được điều chỉnh kêu gọi kéo dài thời gian này lên đến ít nhất 90 ngày liên tục, theo AFP đưa tin ngày 29.4.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres hôm 23.3 đã kêu gọi đình chiến ngay lập tức trên toàn cầu để hỗ trợ công tác dập dịch Covid-19, theo Reuters. Tuy nhiên, dự thảo mới chỉ đề cập đến chiến sự tại các quốc gia đang nằm trong vòng giám sát của HĐBA, bao gồm Syria, Yemen, Afghanistan, Mali, Cộng hòa Trung Phi, Libya, Colombia và Sudan. Theo sau lời kêu gọi của ông Guterres, một số nỗ lực đã được triển khai nhằm giảm tiếng súng tại các khu vực xung đột. Thế nhưng, sau hơn một tháng, tình hình tiếp tục nóng lên tại những nơi như Yemen, Libya và Nam Sudan. Mới đây, tại Colombia, tổ chức Quân đội giải phóng quốc gia (ELN), lực lượng vũ trang du kích cuối cùng của nước này, hôm 27.4 tuyên bố sẽ quay lại đấu tranh vào ngày 1.5.
Dù HĐBA được kỳ vọng sớm thông qua nghị quyết đầu tiên để chứng tỏ tinh thần hợp tác của thế giới trước dịch Covid-19, cho đến nay cơ quan này vẫn chưa ấn định thời điểm bỏ phiếu. Điều này do vấn đề gây nhức nhối nhất trong dự thảo vẫn chưa được dàn xếp là vai trò của WHO trong đại dịch. Tổng thống Mỹ Donald Trump tố cáo WHO về phe Trung Quốc, tìm cách che đậy nguy cơ dịch bệnh trong giai đoạn đầu, dẫn đến hậu quả Covid-19 bùng phát xuyên quốc gia. Dựa trên lý do đó, chính quyền Washington quyết định ngưng đóng góp tài chính cho WHO, và Trung Quốc phản ứng bằng cách góp quỹ bổ sung. Về phần mình, Nga muốn đưa vào dự thảo điều khoản yêu cầu chấm dứt tình trạng bảo hộ mậu dịch, chiến tranh thương mại và dỡ bỏ các lệnh cấm vận đơn phương.
Dự thảo chung của Pháp - Tunisia kết hợp hai đề xuất đã được tiến hành thảo luận song song trong suốt vài tuần, với một bên là 10 thành viên không thường trực của HĐBA dưới sự lãnh đạo của Tunisia (nhóm “E10”) và bên còn lại nhóm 5 thành viên thường trực (P5) với Pháp dẫn đầu nỗ lực thương thuyết. Trước đó, HĐBA chỉ nhóm họp trực tuyến một lần về dịch Covid-19 vào ngày 9.4 theo sáng kiến của Đức và Estonia.
Bên cạnh đó, vào ngày 25.3, LHQ công bố “kế hoạch nhân đạo” nhằm viện trợ cho những nước bị ảnh hưởng nặng nhất từ dịch Covid-19 và đặt mục tiêu vận động hơn 2 tỉ USD. Một tháng sau, giới chức cho biết đã quyên được 1 tỉ USD. Tuy nhiên, LHQ ước tính cần phải huy động thêm 90 tỉ USD.
Mỹ cân nhắc xét nghiệm Covid-19 với hành khách hàng không
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đang xem xét yêu cầu xét nghiệm Covid-19 đối với hành khách đến nước này trên các chuyến bay quốc tế từ những “điểm nóng” của dịch bệnh. “Có lẽ chúng ta sẽ làm điều đó. Chúng ta sẽ sớm đưa ra quyết định về việc này”, theo AFP ngày 29.4 dẫn lời Tổng thống Trump trong cuộc gặp với Thống đốc bang Florida Ron DeSantis tại Nhà Trắng. Khi được hỏi liệu ông sẽ yêu cầu xét nghiệm Covid-19 hay chỉ kiểm tra thân nhiệt hành khách, Tổng thống Trump trả lời: “Cả hai”. Lãnh đạo Mỹ nói thêm chính phủ đang thảo luận với các hãng hàng không về kế hoạch trên và có thể triển khai trong tương lai gần.
Huỳnh Thiềm
Trung Quốc - Úc căng thẳng vì nguồn gốc Covid-19
Căng thẳng lại leo thang khi Trung Quốc hôm qua tiếp tục chỉ trích việc Thủ tướng Úc Scott Morrison đề xuất cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc vi rút Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19, theo Reuters. “Chúng tôi không dùng mánh khóe nhỏ nhặt nhưng nếu bất kỳ quốc gia nào làm điều này, chúng tôi phải đáp trả”, theo thông báo của Đại sứ quán Trung Quốc tại Úc.
Đáp lại, Thủ tướng Morrison cho biết cuộc điều tra quốc tế do ông đề xuất là hợp lý và không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào. “Thế giới cần có sự đánh giá độc lập về tất cả những gì xảy ra để rút kinh nghiệm và ngăn chặn cuộc khủng hoảng xảy ra một lần nữa. Đây là điều hoàn toàn hợp lý”, ông Morrison nói.
Chính phủ New Zealand đã lên tiếng ủng hộ lời kêu gọi của Úc. 
Phúc Duy
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.