Tranh cãi việc Trung Quốc biến đổi gien phôi người thành công

24/04/2015 21:35 GMT+7

(TNO) Việc biến đổi gien của phôi người nhận được sự ủng hộ từ Trung Quốc, nhưng vấp phải phản ứng trái chiều từ giới khoa học quốc tế về vấn đề đạo đức, báo South China Morning Post (Hồng Kông) cho biết.

(TNO) Việc biến đổi gien của phôi người nhận được sự ủng hộ từ Trung Quốc, nhưng vấp phải phản ứng trái chiều từ giới khoa học quốc tế về vấn đề đạo đức, báo South China Morning Post (Hồng Kông) cho biết.

Các nhà khoa học Trung Quốc vừa có thí nghiệm gây tranh cãi - Ảnh: Reuters
Cuộc tranh cãi nổ ra sau khi tạp chí Protein & Cell đăng thông tin xác nhận các nhà khoa học Trung Quốc đã tiến hành việc chuyển đổi ADN trên phôi sống.
Junjiu Huang, người dẫn đầu cuộc nghiên cứu này tại Đại học Tôn Dật Tiên (Quảng Châu), cho biết ông đã dùng kỹ thuật biến đổi gien CRISPR/Cas9 để thay đổi loại gien có khả năng gây chứng rối loạn máu dẫn đến tử vong.
Mặc dù mục đích của việc biến đổi gien nhằm giúp loại trừ các loại bệnh, nó vẫn gây ra nhiều tranh cãi, theo ghi nhận của chuyên san khoa học Nature. Khác với các nghiên cứu trước đó, việc biến đổi gien lần này được thực hiện trên phôi sống, nhằm theo dõi tiến trình phát triển.  
Nature hồi tháng 3 dẫn quan điểm của các nhà nghiên cứu phương Tây cho rằng việc biến đổi gien có thể giúp các bậc cha mẹ chủ động biến con cái họ trở nên đẹp hơn, thông minh hơn, hoàn hảo hơn, nhưng vấp phải vấn đề đạo đức và đi ngược lại sự phát triển tự nhiên.
Trong khi đó tại Trung Quốc, nhiều người ủng hộ tiếp tục nghiên cứu biến đổi gien.
"Những đột phá trong lĩnh vực nghiên cứu này sẽ có lợi cho chúng ta. Việc chỉnh sửa ADN của con người cung cấp giải pháp chữa được nhiều loại bệnh, duy trì sức khỏe, giữ tuổi trẻ, sống lâu. Những điều này sẽ khả thi trong tương lai, giải phóng mọi người khỏi đau khổ", South China Morning Post dẫn lời giáo sư Chen Guoqiang của Đại học Thanh Hoa.
Trên tạp chí Protein & Cell, nhóm nghiên cứu giải thích, dù thử nghiệm trên phôi người sống, nhưng đó là những phôi bị bệnh viện loại bỏ, không có khả năng sống, không thể phát triển. Sử dụng những phôi thai này không thể coi là vi phạm đạo đức.
Các cuộc tranh cãi vẫn đang tiếp tục, theo ghi nhận của Nature. Tuy nhiên, ít ra các nhà khoa học đều thống nhất rằng nên có chiến lược nghiên cứu phù hợp và giữ kín công nghệ này trước khi biết chắc tác động của nó.
"Tôi nghĩ nên để việc nghiên cứu diễn ra, nhưng quá trình phải được giữ bí mật trong phòng thí nghiệm. Việc chỉnh sửa ADN bừa bãi có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của loài người", Zhao Shimin, nhà sinh vật học tại Đại học Phục Đán ở Thượng Hải, nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.