Bầu trời Bắc Kinh trong những ngày qua chuyển màu vàng nâu và ô nhiễm không khí trầm trọng, khi đám mây cát và bụi tràn ngập thủ đô Trung Quốc do gió mạnh từ phía bắc đưa trận bão cát cuốn đến.
Theo Reuters, chỉ số chất lượng không khí ở Bắc Kinh tăng lên 324 vào khoảng 16 giờ ngày 15.4, chủ yếu do các hạt cát và bụi, và tăng lên trên 1.300 tại nhiều nơi trong thành phố.
Ô nhiễm trầm trọng
Cục Khí tượng Trung Quốc cho biết bụi và cát xuất phát từ khu Nội Mông và Mông Cổ, đồng thời dự báo gió mạnh sẽ tiếp tục cuốn cát bụi sang các tỉnh miền trung và miền đông.
Ông Gary Zi, nhân viên ngành tài chính hiện sinh sống và làm việc tại Bắc Kinh cho rằng tình hình ngày một xấu, sau khi có vài trận bão bụi cát trong năm nay. “Chất lượng không khí tồi tệ hơn những năm trước. Thở thì khó, còn cát cứ bay vào mắt, mũi”, ông than phiền.
|
Bắc Kinh đã trồng hàng triệu cây dọc biên giới nhằm chặn bão cát trong dự án “Vạn Lý Trường Thành xanh”. Trong khi đó, một người dân ở Bắc Kinh cho rằng đó bão cát ngày càng tồi tệ là do biến đổi khí hậu.
Bão cát không biên giới
Theo South China Morning Post, Trung Quốc vừa đề nghị giúp Mông Cổ đối phó các vấn đề về môi trường, sau khi 2 nước hứng chịu nhiều trận bão cát.
“Các vấn đề về môi trường không phân biệt ranh giới, và Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mông Cổ trong việc bảo vệ môi trường, ngăn ngừa và kiểm soát sa mạc hóa nhằm cùng nhau đối phó các thách thức”, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu khi điện đàm với Thủ tướng Mông Cổ Luvsannamsrai Oyun-Erdene hôm 14.4.
Trước đó, một trận bão cát lớn từ phía nam Mông Cổ đã lan khắp Đông Á vào giữa tháng 3, quét qua một khu vực rộng lớn ở phía bắc Trung Quốc và ảnh hưởng cả bán đảo Triều Tiên.
Chính quyền địa phương cho biết đó là trận bão cát tồi tệ nhất trong một thập niên, khiến ít nhất 9 người thiệt mạng và 80 người mất tích tại Mông Cổ.
Theo Bộ Tài nguyên thiên nhiên Trung Quốc, nước này đã tiến hành dự án ngăn ngừa và kiểm soát sa mạc trên 10 triệu ha đất từ năm 2016-2020. Trong vòng 5 năm tới, Trung Quốc có kế hoạch cải tạo khoảng 60% đất các có thể sử dụng được. Ông Mã Quân Hợp, giám đốc Trung tâm phát triển từ thiện Thanh Tác tại tỉnh Cam Túc cho biết hoạt động ngăn ngừa và kiểm soát sa mạc hóa ở Trung Quốc đã bắt đầu có hiệu quả từ năm 2000.
|
Từ năm 2007, Viện Khoa học Trung Quốc đã hợp tác với Mông Cổ để ngăn chặn sa mạc hóa, tiến hành các nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm nhằm giảm nguy cơ bão cát. Theo Tân Hoa xã, tình trạng suy thoái đất trầm trọng và sa mạc hóa do hoạt động của con người tại Mông Cổ trong 30 năm qua đã cung cấp một lượng cát lớn cho đợt bão cát hồi tháng 3.
Bình luận (0)