Tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Sau đó, không đáp trả chủ nhân Nhà Trắng, nhưng Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lại chỉ trích Đài Loan, cho rằng chính quyền này đã kích động người dùng internet đưa ra những phản ứng mang tính phân biệt chủng tộc nhằm vào lãnh đạo WHO.
Tất nhiên, Đài Loan đã lên tiếng phản ứng lại. Giờ đây, cuộc “to tiếng” đã chia làm hai phe, một bên là Mỹ và Đài Loan - còn bên kia là Trung Quốc đại lục cùng WHO. Bất đồng giữa hai phe cũng căng thẳng hơn.
Thực tế, nguyên nhân ban đầu xuất phát từ việc WHO có vẻ quá “thân thiện” với Bắc Kinh khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. WHO đã có những nỗ lực có vẻ như nhằm “giúp sức” cho Trung Quốc không bị các nước khác đóng cửa biên giới. Thậm chí, WHO còn đưa ra những thông điệp “mềm hóa” tình hình dịch bệnh. Điều đó đã khiến dư luận ở nhiều nước bức xúc, không chỉ riêng gì Mỹ.
Chẳng những vậy, WHO còn thể hiện sự “gần gũi” với Bắc Kinh đến mức gần như cự tuyệt sự hiện diện của Đài Loan trong tổ chức này. Khó có ai tin rằng sự cự tuyệt đó không bị tác động bởi Bắc Kinh. Chỉ đến khi Mỹ và Nhật Bản can thiệp thì Đài Loan mới có đại diện đóng vai trò quan sát viên ở WHO.
Những thực tế trên cho thấy sức ảnh hưởng của Trung Quốc đối với WHO. Và có lẽ Bắc Kinh không chỉ muốn dừng lại ở đó, mà đang tìm cách tạo sự chi phối lớn hơn đối với nhiều định chế quốc tế, tương tự WHO. Giữa bối cảnh như vậy, thế giới có lẽ nên tìm cách tái định hình lại các tổ chức quốc tế, nếu không muốn bị ảnh hưởng do sự can thiệp từ Bắc Kinh.
Bình luận (0)