Trung Quốc trong tham vọng nhân dân tệ 'ảo'

08/06/2021 15:15 GMT+7

Trung Quốc đang triển khai nhiều dự án thí điểm nhằm phát hành tiền 'ảo' - nhân dân tệ kỹ thuật số (DCEP) cho sử dụng trong nước và quốc tế hóa đồng tiền này.

Sau thành công của các nền tảng thương mại điện tử như Alibaba, Tencent và Baidu trong việc thanh toán kỹ thuật số, Trung Quốc từ năm bắt đầu nghiên cứu về lĩnh vực này. Năm 2017, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) khánh thành Viện Nghiên cứu tiền kỹ thuật số và mời các ngân hàng quốc doanh cùng các tổ chức trong ngành tham gia phát triển Hệ thống Thanh toán điện tử tiền kỹ thuật số (DCEP), hay còn gọi là đồng nhân dân tệ điện tử (e-yuan).
Theo tờ South China Morning Post, đồng tiền này sẽ được sử dụng cho các hoạt động thanh toán, gửi tiền và rút tiền từ ví kỹ thuật số. Người dùng tải xuống ứng dụng ví điện tử được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ủy quyền, sau đó liên kết ứng dụng với thẻ ngân hàng để thực hiện và nhận thanh toán bằng DCEP trên điện thoại di động, cũng như thực hiện chuyển khoản qua máy ATM.
Không giống như các nền tảng thanh toán trực tuyến phổ biến ở Trung Quốc như Alipay của Alibaba và WeChat Pay của Tencent, hệ thống DCEP hỗ trợ các giao dịch thanh toán ngay cả khi không có kết nối internet. Chức năng “chạm và chạm” cho phép hai người dùng thực hiện lệnh chuyển khoản chỉ bằng cách chạm điện thoại của họ vào nhau, không để lại lịch sử thanh toán với bên thứ ba cũng như hệ thống ngân hàng.

Đẩy mạnh thử nghiệm

Hiện chưa rõ thời điểm phát hành nhưng từ tháng 5.2020, Trung Quốc đã phân phối khoảng 200 triệu nhân dân tệ (30,7 triệu USD) bằng DCEP để thử nghiệm tại 4 thành phố Thâm Quyến, Tô Châu, Thành Đô và tân khu Hùng An gần Bắc Kinh.
Các thương hiệu tiêu dùng nước ngoài như Starbucks, McDonald’s và Subway cũng tham gia vào chương trình thử nghiệm, cùng với Ant Financial, Tencent và 19 nhà hàng và cửa hàng bán lẻ địa phương.

Bảng hiệu thông báo chấp nhận thanh toán bằng e-yuan tại một trung tâm thương mại ở Thượng Hải

Reuters

Tháng 12.2020, chính quyền thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô cũng đã tặng 20 triệu nhân dân tệ cho người dân để thử nghiệm DCEP. Bên cạnh đó, DCEP còn được sử dụng để trả một nửa tiền trợ cấp đi lại cho các công chức nhà nước tại đây.
Vào tháng 10.2020, hơn 47.000 người tiêu dùng ở quận La Hồ của Thâm Quyến đã chi 8,8 triệu nhân dân tệ trong quá trình thử nghiệm kéo dài một tuần.
Các ngân hàng thương mại Trung Quốc hồi tháng 8.2020 cũng thông báo hợp tác với PBOC để lưu hành DCEP tại các thành phố lớn.

Tham vọng quốc tế hóa

Vào tháng 4.2021, PBOC và Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông đã bắt đầu “thử nghiệm kỹ thuật” đối với việc sử dụng DCEP giữa đại lục và đặc khu. Đồng nhân dân tệ được sử dụng nhiều tại Hồng Kông và đặc khu này cũng là nơi Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.
Chính quyền Ma Cao cũng đang làm việc với PBOC để tìm một biện pháp tốt hơn nhằm chống rửa tiền và trốn thuế, cũng như “nghiên cứu tính khả thi của việc phát hành tiền kỹ thuật số”.
Hợp tác quốc tế giữa PBOC và các đối tác ở Thái Lan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng đã tăng mạnh. Các nước này đang nghiên cứu việc sử dụng tiền kỹ thuật sốcông nghệ blockchain trong thanh toán xuyên biên giới.
Theo Phó Thống đốc PBOC Lý Ba, PBOC sẽ tiếp tục tăng quy mô các dự án thử nghiệm, đồng thời cải thiện hệ sinh thái tiền tệ kỹ thuật số, bao gồm công nghệ và cơ sở hạ tầng, bên cạnh việc tiếp tục cải thiện độ an toàn và độ tin cậy của hình thức thanh toán này.
Trước việc Trung Quốc đang trong giai đoạn thử nghiệm, các quốc gia khác đã nỗ lực tăng tốc. Thụy Điển và Nhật Bản đã bắt đầu thử nghiệm các loại tiền kỹ thuật số của riêng họ, trong khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu đang tích cực xem xét việc này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.