Trung Quốc với mưu đồ biến Hoàng Sa thành khu nghỉ dưỡng cao cấp

28/05/2016 09:25 GMT+7

Không chỉ tăng cường quân sự phi pháp, Trung Quốc còn mưu tính biến các khu vực chiếm đóng ở Biển Đông thành “khu nghỉ dưỡng cao cấp”.

Đưa UAV ra Hoàng Sa

Theo Đài Fox News hôm 27.5, hình ảnh mới nhất chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc lần đầu tiên triển khai phi pháp một máy bay không người lái (UAV) sử dụng công nghệ tàng hình Harbin BZK-005 tới đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền VN nhưng đang bị chiếm đóng phi pháp.
Đây là UAV trinh sát tầm xa có thể hoạt động liên tục tới 40 giờ đồng hồ. Hình ảnh vệ tinh cho thấy dường như chiếc BZK-005 tại Phú Lâm không mang theo vũ khí. Fox News dẫn lời nguồn tin quân sự cho hay UAV này tuy chưa có khả năng phóng tên lửa như những máy bay không người lái khác của Trung Quốc, nhưng vẫn có thể mang thiết bị hoặc vũ khí tới 150 kg. Theo giới quan sát, hành động mới của Trung Quốc ngoài tiếp tục tăng cường quân sự hóa Biển Đông có thể còn nhằm “dằn mặt” những nước trong khu vực sau các động thái gần đây của Mỹ về quân sự và hợp tác chiến lược.
Bên cạnh đó, những hình ảnh từ vệ tinh khác cho thấy các khẩu đội tên lửa đất đối không HQ-9 mà Trung Quốc triển khai phi pháp tới Phú Lâm trước đó đã được chuyển từ nơi tập trung ở phía bắc hòn đảo đến nhiều vị trí khác nhau. Hành động này được cho là nhằm bảo vệ tên lửa không bị phá hủy trong một cuộc không kích tiềm ẩn.
Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy UAV tàng hình đậu phi pháp trên đảo Phú Lâm Fox News
Trả lời về mối đe dọa ngày càng gia tăng từ UAV Trung Quốc ở Biển Đông, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Peter Cook nói Lầu Năm Góc có “nhiều quan ngại” về hành vi của Trung Quốc ở khu vực, theo Fox News.
Vỏ bọc du lịch
Cũng trong ngày 27.5, tờ China Daily dẫn lời thị trưởng tự xưng của cái gọi là “TP.Tam Sa” Tiêu Kiệt tuyên bố sẽ biến khu vực này thành điểm du lịch “có thể sánh với Maldives”. “TP.Tam Sa” do Trung Quốc đơn phương dựng lên hồi tháng 7.2012 để tự cho mình quyền quản lý cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN.
Ông Tiêu ngang nhiên tuyên bố sẽ mở cửa cho du khách đến những đảo và bãi đá không cần hiện diện quân sự. Trung Quốc bắt đầu cho tàu du lịch chở khách từ đảo Hải Nam đến tham quan phi pháp các đảo thuộc Hoàng Sa từ tháng 4.2013. “Các đảo này tiếp nhận khoảng 30.000 du khách trong 3 năm qua. Tuy nhiên, môi trường của những đảo đón tàu du lịch giờ đây tốt hơn trước”, ông Tiêu khoe với China Daily.
Điều nguy hiểm là giới chức Trung Quốc không giấu giếm ý đồ mượn vỏ bọc du lịch để tuyên truyền cho “chủ quyền” của nước này cũng như kích động chủ nghĩa dân tộc. “Đó không phải là một chuyến đi dễ dàng, nhưng nhiều người với tinh thần yêu nước muốn trải nghiệm điều đó”, ông Tiêu tuyên bố.
Theo tường thuật của phóng viên tờ South China Morning Post (SCMP - Hồng Kông) về một chuyến tham quan phi pháp tới Hoàng Sa, ngay khi còn trên tàu, hướng dẫn viên ra rả nói về chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông và vu cáo các bên khác “chiếm phi pháp các đảo”. Chưa hết, khi đặt chân lên đảo Ốc Hoa thuộc Hoàng Sa, đập vào mắt du khách là biểu ngữ có dòng chữ: “Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông - NV) thuộc Trung Quốc”. Sau đó, tất cả bị “lùa” đi tham dự một lễ thượng cờ phi pháp và họ bị yêu cầu giơ tay phải tuyên thệ: “Tôi yêu tổ quốc, tôi yêu Tây Sa (tên gọi ngụy xưng của Trung Quốc đối với Hoàng Sa - NV)”.
Thực chất, lâu nay đã có nhiều ý kiến phàn nàn về chất lượng của những chuyến “du lịch” kiểu này. Tiêu Kiệt quảng cáo trên China Daily rằng dù cách xa đất liền của Trung Quốc nhưng du khách sẽ không bị chặt chém. Tuy nhiên, nhiều người than phiền rằng “không có nhiều thứ để chơi”, còn hàng hóa và dịch vụ đều đắt cắt cổ.
Philippines bắt 10 ngư dân Trung Quốc
Truyền thông Philippines ngày 27.5 đưa tin 2 tàu tuần duyên nước này vừa chặn bắt thành công một tàu cá vỏ thép Trung Quốc cùng 10 ngư dân sau 2 giờ rượt đuổi ngoài khơi đảo Luzon, phía bắc Philippines. Trung tá Jeffrey Collado thuộc Lực lượng tuần duyên Philippines cho Đài ABS-CBN hay khi bị phát hiện có dấu hiệu đánh bắt phi pháp trong vùng biển Philippines, tàu Trung Quốc cố đâm vào tàu tuần duyên để bỏ chạy nhưng đã bị một tàu khác ngăn chặn kịp thời. “Tàu cá Trung Quốc hoạt động trong lãnh hải Philippines, không phải vùng tranh chấp”, ông Collado khẳng định và cho hay 10 ngư dân sẽ bị khởi tố về tội đánh bắt trái phép. Trung Quốc chưa có phản ứng về vụ việc.
Cũng trong hôm qua 27.5, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Bill Urban khẳng định vụ 2 tiêm kích Trung Quốc có hành động ngăn chặn máy bay trinh sát E-P3 của hải quân Mỹ trong không phận quốc tế trên Biển Đông ngày 17.5 đã vi phạm thỏa thuận giữa hai bên. Năm ngoái, Washington và Bắc Kinh ký thỏa thuận thành lập các quy tắc ứng xử để kiểm soát các vụ đối đầu trên không.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.