Lệnh cấm đánh bắt phi pháp nói trên bắt đầu được áp dụng từ 12 giờ ngày 16.5 đến 12 giờ ngày 1.8, theo tờ Tam Á báo. Cũng như những năm trước, phạm vi cấm đánh bắt năm 2016 trải dài từ 12 độ vĩ bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả một phần vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền VN.
Tam Á báo trích nội dung kế hoạch từ Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho hay trong thời gian cấm đánh bắt, giới chức sẽ tiến hành tuần tra trên biển và tổ chức các cuộc “kiểm tra chấp pháp bất ngờ”, theo dõi động thái của tàu đánh cá, kiểm tra giấy phép hoạt động…
Lệnh cấm đánh bắt phi pháp lần này được đưa ra khoảng 2 tháng sau khi Trung Quốc thông qua Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016 - 2020). Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ tăng cường bảo vệ các nguồn tài nguyên và môi trường biển bằng các lệnh cấm đánh bắt, nâng cao khả năng “chấp pháp trên biển”, dùng tất cả phương tiện “bảo vệ lợi ích biển”.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn đang tăng cường xây dựng cơ sở phi pháp trên 7 bãi đá nước này chiếm đóng trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN nhằm tăng cường hiện diện ở khu vực. Theo báo cáo về sức mạnh quân sự Trung Quốc do Bộ Quốc phòng Mỹ vừa trình lên quốc hội, Bắc Kinh đã hoàn tất hoạt động bồi đắp quy mô lớn ở những bãi đá nói trên từ tháng 10.2015 và đang tập trung xây cơ sở hạ tầng, trong đó có những đường băng dài 3 km, đủ lớn cho tất cả chiến đấu cơ hoạt động, theo CNN.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân hôm qua 15.5 lên tiếng phản đối báo cáo trên và tuyên bố nó làm tổn hại nghiêm trọng “niềm tin của đôi bên”, theo Tân Hoa xã. Ông Dương khẳng định báo cáo “thổi phồng mối đe dọa quân sự của Trung Quốc và thiếu minh bạch”. Chưa có thông tin về phản ứng của Mỹ đối với chỉ trích của ông Dương.
Bình luận (0)