Phát biểu tại Diễn đàn an ninh quốc tế Halifax ở Nova Scotia (Canada) hôm qua, tướng John Hyten, Chỉ huy Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM), cho biết ông đã suy nghĩ rất nhiều về những gì phải làm trong trường hợp nhận được mệnh lệnh tiến hành tấn công hạt nhân từ tổng thống.
Với vai trò chịu trách nhiệm giám sát vũ khí hạt nhân của Mỹ, ông Hyten khẳng định sẽ đưa ra lời khuyên và khuyến cáo cho tổng thống trước khi vị tổng tư lệnh chỉ đạo những gì phải làm tiếp theo.
Lo ngại
“Nếu quyết định đó (lệnh của tổng thống - NV) trái luật, hãy đoán xem chuyện gì sẽ xảy ra? Tôi sẽ nói: “Thưa tổng thống, điều đó là sai luật”. Và tổng thống sẽ làm gì? Ông ấy sẽ hỏi: “Vậy phải làm sao?”. Khi ấy, chúng tôi sẽ đưa ra các lựa chọn để xử lý phù hợp với tình huống. Đó là cách chúng tôi hoạt động”, Reuters dẫn lời tướng Hyten nhấn mạnh.
Theo ông, STRATCOM có nhiều kịch bản để xử lý khi nhận được lệnh từ tổng thống và Mỹ có những quy định rõ ràng để đánh giá đâu là mệnh lệnh sai luật. Những quy định dựa trên 4 tiêu chí chủ chốt của luật Xung đột vũ trang gồm: sự cần thiết, sự phân biệt, tính cân xứng và hậu quả không cần thiết. Tướng Hyten khẳng định: “Nếu thi hành một lệnh trái phép, bạn sẽ phải đi tù, thậm chí hết phần đời còn lại. Điều này áp dụng cho cả việc dùng vũ khí hạt nhân, vũ khí hạng nhẹ, chiến thuật và mọi thứ khác”.
|
|
Theo tờ The New York Times, ông James Schlesinger, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống Richard Nixon, hồi cuối năm 1974 từng yêu cầu Nhà Trắng và Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân thông báo lại cho ông cùng Ngoại trưởng Henry Kissinger “bất kỳ mệnh lệnh khẩn cấp nào do tổng thống đưa ra”. Lý do là vào thời điểm đó, Tổng thống Nixon đang bị bủa vây trong vụ bê bối Watergate nên ông uống rượu rất nhiều và đôi lúc tỏ dấu hiệu mất bình tĩnh. The New York Times dẫn lại một số hồ sơ cho biết ông Nixon từng ghi chú về vũ khí hạt nhân như sau: “Tôi có thể quay trở vào văn phòng, nhấc điện thoại lên và chỉ 25 phút sau 70 triệu người sẽ thiệt mạng”.
|
|
|
Lầu Năm Góc và Nhà Trắng hiện chưa có phản ứng nào về phát biểu của ông Hyten, mặc dù vấn đề quyền hạn của tổng thống trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân gần đây đã trở thành đề tài nóng trong các cuộc tranh luận ở Mỹ. Hôm 14.11, lần đầu tiên trong vòng 4 thập niên qua, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện tổ chức phiên điều trần về đặc quyền này của tổng thống. Theo hiến pháp, chủ nhân Nhà Trắng với vai trò là Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang có quyền ra lệnh tiến hành tấn công hạt nhân để bảo vệ an ninh quốc gia mà không cần quốc hội cho phép. Những diễn biến căng thẳng liên quan đến chương trình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là cảnh báo “hủy diệt hoàn toàn Bình Nhưỡng” của Tổng thống Donald Trump thời gian qua đã khiến giới nghị sĩ Mỹ đứng ngồi không yên. Một số người tỏ ra lo ngại nếu tổng thống đưa ra quyết định vội vàng có thể sẽ dẫn đến hậu quả không thể tưởng tượng.
Quy trình tấn công
Vũ khí hủy diệt một khi được khai hỏa sẽ không có cách nào thu hồi, tuy nhiên từ mệnh lệnh của tổng thống đến nút bấm cuối cùng là một quá trình vô cùng phức tạp. Theo BBC, trước khi ra lệnh, tổng thống sẽ trải qua họp khẩn với những nhân vật chủ chốt như bộ trưởng quốc phòng, ngoại trưởng, cố vấn an ninh quốc gia và quan trọng nhất chính là chỉ huy STRATCOM. Đây là người sẽ trình bày những lựa chọn có sẵn và hệ quả đi kèm cũng như hỏi ý kiến tổng thống về các điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân, chẳng hạn như có tránh đánh vào các vùng đô thị hay không. Nếu cảm thấy mệnh lệnh “có vấn đề”, chỉ huy STRATCOM hay bộ trưởng quốc phòng có thể bất tuân và tiếp tục khuyến cáo nhưng quyết định tối hậu vẫn nằm trong tay tổng thống.
Sau khi tổng thống vẫn quyết định tấn công, mệnh lệnh sẽ được chuyển tới Trung tâm chỉ huy quân sự quốc gia tại Lầu Năm Góc. Đây là lúc các lãnh đạo chủ chốt của Lầu Năm Góc yêu cầu tổng thống xác thực lệnh bằng mã định danh riêng cho từng vị chủ nhân Nhà Trắng được cất giữ trong chiếc va li hạt nhân. Với mật mã chính xác, Lầu Năm Góc sẽ chuyển lệnh phóng dài 150 ký tự đến các đơn vị trong vòng 5 phút. Theo Bloomberg, mệnh lệnh này bao gồm mã hệ thống xác thực niêm phong (SAS) để mở khóa vũ khí hạt nhân. Khi có lệnh trong tay, các đội phóng vũ khí sẽ lấy mã SAS có sẵn để đối chiếu với SAS trong lệnh phóng. Nếu tất cả đều tương thích cộng thêm sự xác thực lần cuối của các sĩ quan chỉ huy, đơn vị sẽ mở két sắt lấy chìa khóa kích hoạt khai hỏa tên lửa.
Bình luận (0)