Tuyên bố của Nga về vũ khí hạt nhân: Đòn gió, tác động thật

30/10/2020 10:45 GMT+7

Việc Tổng thống Nga tuyên bố Moscow sẵn sàng không triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung ở châu Âu cũng như đề nghị Mỹ gia hạn thời gian hiệu lực của Hiệp định New START được xem là đòn gió nhưng vẫn có tác động không nhỏ.

Sau khi bất ngờ đề nghị Mỹ gia hạn thời gian hiệu lực của Hiệp định New START để có thêm thời gian đàm phán, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow sẵn sàng không triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung ở châu Âu nếu các thành viên NATO không triển khai thêm vũ khí hạt nhân tại châu Âu.
Đề nghị mới này của Nga trong thực chất là tiếp tục thực hiện Hiệp định về tên lửa hạt nhân tầm trung (INF) mà phía Mỹ đã đơn phương chấm dứt hiệu lực từ năm ngoái.
Cả hai đề nghị trên của ông Putin đều nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân và gây dựng lòng tin, nhưng đều là những cú đòn gió khó khả thi. Mỹ đã từ bỏ INF nên đâu có thích thú gì với việc gia hạn INF. NATO không phải là đối tác của Nga trong chuyện giải trừ vũ khí hạt nhân.
Dù vậy, những cú đòn gió trên vẫn có tác động không nhỏ. Cả hai đề nghị được ông Putin đưa ra ngay trước thời điểm có cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ và đều có thể được đương kim chủ nhân Nhà Trắng Donald Trump dẫn chứng như nhượng bộ Moscow trước sức ép của Washington. Như thế chẳng phải rất hữu ích cho ông Trump trong cuộc bầu cử sắp tới?

Nga phóng thử tên lửa hạm đối hạm siêu thanh Zircon trong ngày sinh nhật ông Putin

Đại đa số các thành viên NATO ở châu Âu đều không đồng tình với việc ông Trump chấm dứt tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga. Họ đều muốn cả hai hiệp định trên được Washington và Moscow tiếp tục thực hiện hoặc thay thế bằng thỏa thuận giải trừ vũ khí hạt nhân mới. Nên đề nghị mới của Nga còn tạo sự phân hóa giữa Mỹ và các thành viên NATO. Như thế, kịch bản nào cũng vẫn đắc dụng cho Nga!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.