Vào ngày 17.7.2014, chiếc Boeing 777 trúng tên lửa BUK do Liên Xô sản xuất, khiến tất cả 298 người trên máy bay thiệt mạng, theo AFP.
Vụ bắn hạ MH17 xảy ra khi chiếc Boeing 777 bay qua vùng Donetsk, miền Đông Ukraine vốn nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng ly khai được cho là thân Nga.Trong số 298 nạn nhân thiệt mạng có 38 người Úc và 196 công dân Hà Lan.
Cả Hà Lan và Úc đều tuyên bố sẽ buộc Nga phải chịu trách nhiệm về vụ bắn hạ máy bay. Tuy nhiên, Moscow luôn phủ nhận mọi cáo buộc và đổ lỗi cho Ukraine. Kể từ năm 2018, Úc, Hà Lan và Nga tổ chức các cuộc đàm phán nhằm tìm ra nguyên nhân dẫn đến vụ.
Vào ngày 15.10, chính phủ Nga bất ngờ tuyên bố sẽ rút khỏi cuộc đàm phán, phản đối “những nỗ lực xấu xa" nhằm đổ lỗi cho Moscow, bao gồm vụ Hà Lan đệ đơn kiện chống lại Nga lên Tòa án Nhân quyền châu Âu liên quan đến vụ bắn rơi MH17.
Đáp lại, Ngoại trưởng Úc Marise Payne ngày 16.10 cho biết bà "vô cùng thất vọng" trước quyết định của Nga. Bà Payne nói: "Chúng tôi kêu gọi Nga ngay lập tức quay trở lại bàn đàm phán. Úc cam kết theo đuổi sự thật, công lý và trách nhiệm giải trình cho 298 nạn nhân và gia đình của họ".
Cùng ngày, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết ông rất thất vọng và bất ngờ trước động thái của Nga. Ngoại trưởng Hà Lan Stef Blok cho hay ông đã triệu tập đại sứ Nga để phản đối.
Hồi tháng 3, các tòa án Hà Lan bắt đầu xét xử 4 nghi phạm, bao gồm 3 người Nga và 1 người Ukraine, có liên quan đến vụ MH17. Các công tố viên cho rằng 4 nghi phạm đều có mối liên hệ với phe ly khai ở miền đông Ukraine, giúp đưa hệ thống tên lửa BUK từ căn cứ ở Nga đến Ukraine.
Bình luận (0)