Ưu tiên của Philippines khi làm Chủ tịch ASEAN

16/01/2017 10:00 GMT+7

Tổng thống Rodrigo Duterte vừa công bố hàng loạt ưu tiên mà Philippines sẽ theo đuổi sau khi chính thức nhậm chức Chủ tịch luân phiên ASEAN.

Ngày 15.1, chính quyền Philippines tổ chức lễ nhậm chức Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2017 tại thành phố Davao, quê nhà của Tổng thống Rodrigo Duterte. Phát biểu tại buổi lễ, ông Duterte tuyên bố với vai trò là Chủ tịch ASEAN, Philippines sẽ “tận tâm xây dựng Cộng đồng ASEAN kiên cường và vững mạnh”, “tích cực xúc tiến và nâng cao lợi ích của ASEAN thông qua những sáng kiến, điều phối, đồng thuận và hợp tác về chính sách”, theo báo Philippine Daily Inquirer.
Ông Duterte còn nhấn mạnh Cộng đồng ASEAN phải nỗ lực cung cấp nhiều cơ hội để có cuộc sống thật sự tốt hơn cho các công dân trong khối. “Chúng ta phải tăng cường tương tác giữa người dân thông qua thương mại, đi lại và giáo dục. Chúng ta phải phấn đấu vì một khu vực vốn thúc đẩy và duy trì hòa bình, an ninh và ổn định”, Tổng thống Duterte phát biểu. Ngoài ra, ông còn kêu gọi những đối tác đối thoại của ASEAN “tôn trọng nguyên tắc không can thiệp” để nâng cao sự ổn định của khu vực.
Sau khi nhậm chức Chủ tịch ASEAN, Philippines sẽ tổ chức hàng loạt hội nghị thượng đỉnh và cuộc họp liên chính phủ theo chủ đề “Hợp tác để thay đổi, hội nhập thế giới”. Theo báo Sun Star, sẽ có hơn 100 cuộc họp được tổ chức tại nhiều nơi khác nhau ở Philippines cho đến khi Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và các hội nghị liên quan diễn ra vào tháng 11.
Đặt con người làm trọng tâm
Cũng tại lễ ra mắt nói trên, Tổng thống Duterte tuyên bố Philippines sẽ theo đuổi những ưu tiên như: đặt con người làm trung tâm, làm việc vì hòa bình và ổn định khu vực; theo đuổi hợp tác và an ninh biển; đẩy mạnh tăng trưởng dựa trên sáng kiến, mang tính toàn diện; củng cố sự kiên cường của ASEAN; thúc đẩy ASEAN phát triển theo mô hình chủ nghĩa khu vực và có sức ảnh hưởng toàn cầu.
Về ưu tiên coi trọng con người, Bộ trưởng Phát triển và phúc lợi xã hội Philippines Judy Taguiwalo, hiện đang giữ chức Chủ tịch Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN (ASCC), nói rõ: “Mục tiêu chính của chúng tôi khi làm Chủ tịch ASCC là đóng góp nỗ lực làm cho ASEAN hướng tới và tập trung vào con người nhiều hơn”. Bà Taguiwalo cho hay: “Chúng tôi muốn làm cho ASEAN liên quan nhiều hơn đến đời sống của dân nghèo và tầng lớp bình dân bằng cách nhấn mạnh những vấn đề mà họ quan tâm, với mục tiêu cuối cùng là đạt được các thỏa thuận nâng phúc lợi và cải thiện chất lượng cuộc sống của họ”.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Duterte cũng hứa sẽ thúc đẩy an ninh biển và kêu gọi các nước ASEAN cũng như những đối tác đối thoại của khối tôn trọng tinh thần thượng tôn pháp luật, theo Đài ABS-CBN News.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay hôm 11.1 tuyên bố Manila sẽ không đưa phán quyết ngày 12.7.2016 của Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ “đường lưỡi bò” vào chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm nay, với lập luận làm như thế chỉ phản tác dụng, theo CNN. Mặt khác, ông Yasay cho hay Manila hy vọng khuôn khổ về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sẽ được hoàn tất vào giữa năm nay.
Năm đặc biệt đối với ASEAN
2017 là năm đặc biệt đối với không chỉ Philippines mà còn cả ASEAN vì nó đánh dấu khối này tròn 50 tuổi. Vào ngày 8.8.1967, ASEAN được thành lập bởi Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Sau đó, ASEAN kết nạp thêm 5 nước Brunei, Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam tạo thành một khối 10 thành viên như hiện nay, với tổng dân số khoảng 625 triệu người và GDP ước tính 2.800 tỉ USD vào năm 2015, theo báo Tempo.
Nhằm kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN, Tập đoàn bưu chính Philippines (PHLPost) ngày 15.1 phát hành tem in dòng chữ ASEAN 50, PHILIPPINES 2017 và chủ đề của năm “Hợp tác để thay đổi, hội nhập thế giới”. PHLPost đã in 101.000 con tem ASEAN, với giá 12 peso (5.450 đồng)/con, theo báo The Phililipine Star.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.