Vi phạm luật pháp quốc tế

Ngọc Mai
Ngọc Mai
13/05/2018 08:30 GMT+7

Không chỉ ngụy biện một cách vô trách nhiệm, Trung Quốc còn vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế khi cấp tập triển khai vũ khí trên Biển Đông.

Trả lời Thanh Niên, PGS-TS Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ (Tổng cục Biển và Hải đảo VN), đánh giá hành động của Trung Quốc đã vi phạm những cam kết quốc tế, đặc biệt là cam kết với Mỹ và nhiều nước khác về việc Bắc Kinh sẽ không quân sự hóa các cấu trúc mà họ xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa.
Gây phức tạp tình hình
“Trung Quốc cũng vi phạm luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển về đảm bảo an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên biển, Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa VN và Trung Quốc”, ông nhấn mạnh và cho rằng các động thái gần đây của Trung Quốc đã gây phức tạp và leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định tại Biển Đông, làm suy giảm lòng tin giữa các nước trong và ngoài khu vực với nước này.
Ông khẳng định: “Trung Quốc tuyên bố hành động này của họ chỉ nhằm mục đích phòng vệ. Đây là tuyên bố rất vô trách nhiệm. Họ không có bất cứ cơ sở pháp lý nào để “phòng vệ” với các khí tài đó. Hoạt động triển khai tên lửa tại ba cấu trúc nhân tạo nêu trên là một bước trong chiến lược vô hiệu hóa phán quyết của PCA vốn bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc”.
Nhận định với Thanh Niên, TS Nguyễn Thành Trung, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế - Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng những động thái quân sự của Trung Quốc là một giai đoạn trong chính sách lớn “tằm ăn dâu”, hay “cắt lát salami” nhằm độc chiếm Biển Đông. Theo đó, Bắc Kinh đang thực hiện từng bước nhỏ trong một thời gian dài để từ từ biến các đảo trên Biển Đông thành tiền đồn, hay “hàng không mẫu hạm” của Trung Quốc về phía nam. Từ đó, Trung Quốc có thể kiểm soát nguồn tài nguyên dưới biển (cá, dầu mỏ, khí đốt...), khống chế đường giao thương giữa Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương và kiểm soát không vận ở khu vực này.
Tương tự, chuyên gia Hoàng Việt, thành viên Ban Nghiên cứu luật Biển và hải đảo - Liên đoàn Luật sư VN, cho rằng Trung Quốc còn có thể dùng các căn cứ quân sự trên Biển Đông để thách thức sự hiện diện của Mỹ trong khu vực và có thể dễ dàng áp đảo lực lượng quân sự của các nước yêu sách còn lại trong vùng. Ông Việt dự báo: “Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ cân nhắc phản ứng của dư luận sau hành động này để tính toán thời điểm và tốc độ phù hợp khi triển khai thêm các hệ thống phòng thủ trong khu vực, như máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, và các tên lửa đạn đạo truyền thống có khả năng tấn công cả tàu bè và căn cứ ở xa, thậm chí ở ngoài khu vực Biển Đông”.
Bên cạnh đó, TS Nguyễn Thành Trung lo ngại trong tương lai, Trung Quốc sẽ có nhiều bước đi mạnh mẽ hơn. Cụ thể, không loại trừ khả năng Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) và đòi hỏi các máy bay dân sự của các quốc gia khác vào khu vực này phải chịu sự kiểm soát của Bắc Kinh, cũng như đẩy mạnh gia tăng việc khai thác tài nguyên ở khu vực tranh chấp với giàn khoan nổi thế hệ thứ sáu HD982 có thể khoan ở độ sâu gần 10.000 m. Ông Trung đánh giá đây là điều đáng lo ngại về chủ quyền, tự do hàng hải, an ninh không chỉ đối với VN, mà còn với các quốc gia trong khu vực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.