Vì sao không quân Mỹ phải 'mày mò' chế tạo lại phụ kiện cho oanh tạc cơ B-2?

04/03/2021 16:14 GMT+7

21 năm kể từ thời điểm Northrop Grumman chuyển giao chiếc cuối cùng của dòng oanh tạc cơ tàng hình B-2 Spirit cho Không quân Mỹ (USAF), lực lượng này đang tìm cách chế tạo lại các phụ kiện quan trọng của nó.

Trong một diễn biến đáng ngạc nhiên, chính quyền Washington đang vận động ngành công nghiệp nước này tham gia quá trình "thiết kế ngược" đối với một bộ phận của dòng oanh tạc cơ B-2.
Theo thông báo trên trang beta.SAM.gov của chính phủ Mỹ hồi tuần trước, USAF cần đảo ngược kỹ thuật để chế tạo linh kiện đóng vai trò then chốt cho hệ thống làm nguội của dòng máy bay tối tân. Nhà thầu cũng được yêu cầu tìm cách loại bỏ lõi hỏng và lắp đặt cái mới.
Nghe qua có vẻ khá hài hước, nhưng điều này phản ánh một thực tế: thiết kế của máy bay quá bí mật.
Theo The War Zone, nhiều khả năng do bản chất tuyệt mật của chương trình B-2, các kế hoạch ban đầu hoặc công cụ chế tạo phụ kiện được đề cập đã bị phá hủy; và một khả năng khác là công ty sản xuất chúng đã đóng cửa.
Northrop Grumman chỉ chế tạo tổng cộng 21 chiếc B-2 thay vì 132 chiếc như kế hoạch ban đầu, và chiếc cuối cùng được chuyển giao cho USAF vào năm 2000.
B-2 được dự kiến sẽ tiếp tục được sử dụng cho đến thập niên 2030, thời điểm USAF đưa dòng B-21 Raider thay thế.
Đây không phải là lần đầu tiên quân đội Mỹ đối mặt với vấn đề trên. USAF đã đảo ngược kỹ thuật nhiều bộ phận của dòng máy bay ném bom B-52 Stratofortress. Dòng oanh tạc cơ khổng lồ này đã vận hành hơn 50 năm và vẫn chưa vội về hưu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.