Viễn cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

17/12/2017 07:17 GMT+7

Những xích mích về thâm hụt kinh tế Mỹ - Trung có thể dẫn đến những biện pháp trừng phạt đơn phương đáp trả nhau nhưng sẽ khó bùng phát thành chiến tranh thương mại toàn diện.

Chính quyền Mỹ trong năm 2017 liên tiếp khởi động các cuộc điều tra đối với các mặt hàng nhôm, thép nhập khẩu từ Trung Quốc vì lo ngại gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền công nghiệp trong nước. Những cuộc điều tra có thể dẫn đến kết cục là Mỹ tung đòn trừng phạt đơn phương lên Trung Quốc nhưng cũng sẽ dẫn đến nguy cơ khiến chính doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng và còn bị Bắc Kinh đáp trả.
Luật chơi riêng
Ngay từ lúc vận động tranh cử, Tổng thống Donald Trump nhiều lần chỉ trích kịch liệt Trung Quốc bằng ngôn từ mạnh mẽ nhất như "kẻ thù kinh tế", "kẻ trộm khét tiếng nhất thế giới"... và hứa hẹn sẽ tuyên bố Bắc Kinh là nước thao túng tiền tệ. Từ khi nhậm chức đến nay, chính quyền Tổng thống Trump đã ít nhất vài lần điều tra mối liên hệ thương mại của Trung Quốc với Mỹ. Hồi tháng 4, Bộ Thương mại Mỹ điều tra việc nhập khẩu thép giá rẻ và nhôm không gỉ từ Trung Quốc vì cho rằng việc bán phá giá của Trung Quốc khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ chịu ảnh hưởng và phải ngừng sản xuất. Đến tháng 8, Nhà Trắng điều tra nghi án Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và những tác động đối với thương mại Mỹ.
Mới đây nhất, sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Trump vào tháng 11, Bộ Thương mại Mỹ khởi động điều tra việc nhập khẩu nhôm lá từ Trung Quốc với lý do tương tự.

tin liên quan

Mỹ sắp khơi mào chiến tranh thương mại ?
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang rục rịch kế hoạch ban hành mức thuế nhập khẩu thép cao, từ đó khơi mào một cuộc chiến tranh thương mại trên thế giới.
Theo BBC, chính quyền Tổng thống Barack Obama trước đây giải quyết bằng cách khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc trợ giá cho ngành xuất khẩu nhôm của Trung Quốc. Tuy nhiên, cách tiếp cận của Tổng thống Trump lại thể hiện sự quyết liệt và dường như bản thân tổng thống Mỹ không còn muốn dựa vào WTO để giải quyết tranh chấp vì quá trình này được cho là sẽ mất ít nhất 2 năm để hoàn tất. Ngay tại hội nghị cấp bộ trưởng WTO ở Argentina ngày 11.12, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer công khai chỉ trích cơ quan này đã mất đi sự tập trung vào việc đàm phán những thỏa thuận thương mại, thay vào đó chỉ chuyên đi giải quyết kiện tụng của các nước.
Ông Daniel Rosen, cố vấn chính sách kinh tế quốc tế Nhà Trắng từ năm 2000 - 2001, nói Tổng thống Trump và đội ngũ cố vấn tin rằng chỉ có một biện pháp đơn phương mới có thể đem lại hiệu quả, theo tờ South China Morning Post. Tương tự, ông Michael Froman, đại diện thương mại Mỹ từ năm 2013 - 2017, cho hay có khả năng chính quyền Trump sẽ đơn phương áp thuế một số hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mà không cần thông qua WTO, sau khi các cuộc điều tra nói trên có kết quả dự kiến trong năm 2018.
Phản ứng ngược
Ông Rosen nhận định kết quả của các cuộc điều tra có thể tác động đến các ngành công nghiệp khác. Nếu Mỹ áp thuế nhập khẩu với hàng hóa Trung Quốc đối với những sản phẩm này thì "các ngành công nghiệp khác có khả năng sẽ lên tiếng và tìm cách đòi bồi thường tương tự từ mối quan hệ thương mại với Trung Quốc", cựu cố vấn kinh tế nhận định.
Trung Quốc đã gọi việc điều tra này là "vô trách nhiệm" vì nó nằm ngoài khuôn khổ khung thỏa thuận thương mại đa phương của WTO, tổ chức mà Mỹ và Trung Quốc đều là thành viên và phải tuân thủ luật chơi. Ông Froman dự đoán nếu Mỹ vi phạm quy tắc của WTO bằng việc đơn phương áp dụng lệnh trừng phạt thì nhiều nước khác cũng sẽ có hành động tương tự. Bên cạnh đó, nó sẽ khắc sâu vết rạn nứt giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới và dẫn đến chiến tranh thương mại khi Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đáp trả. Ông Froman đề xuất Washington cần tránh một cuộc ăn miếng trả miếng với Bắc Kinh vì sẽ có những hệ lụy cho doanh nghiệp trong nước như chi phí gia tăng, chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn và tác động đến người tiêu dùng.
Dù Mỹ tố Trung Quốc về sự thâm hụt thương mại ngày càng tăng, giới chuyên gia Trung Quốc nhận định cuộc chiến tranh thương mại giữa 2 nước sẽ khó xảy ra. Tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn số liệu chính thức cho biết lượng hàng hóa liên quan đến các cuộc điều tra chỉ có giá 600 triệu USD, trong khi thâm hụt thương mại 2 nước là 18 tỉ USD. Những con số này là cực kỳ nhỏ so với tổng kim ngạch thương mại song phương hằng năm là 4.000 tỉ USD. Hoàn Cầu thời báo nhận định Tổng thống Trump một mặt muốn chứng minh nỗ lực bảo vệ nền kinh tế trong nước nhưng mặt khác cũng tránh gây quá nhiều tổn hại đến mối quan hệ thương mại với đối tác lớn nhất là Trung Quốc.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.