Xác tàu ngầm biến mất bí ẩn

Bảo Vinh
Bảo Vinh
10/07/2019 08:15 GMT+7

Hai tàu ngầm của Hà Lan cùng thi thể 79 thủy thủ bị chìm trong Thế chiến 2 đã “bốc hơi” tại vùng biển ngoài khơi Malaysia.

Tờ The Guardian ngày 9.7 dẫn lời giới chức Hà Lan bày tỏ bất bình về vụ mất tích của 2 xác tàu ngầm nước này tại khu vực Biển Đông ngoài khơi Malaysia. Tàu HNLMS O 16 và tàu HNLMS K XVII thuộc lực lượng Đồng minh trúng thủy lôi của quân Nhật vào tháng 12.1941 và chìm xuống đáy biển cùng tổng cộng 79 thủy thủ. Chỉ một người trên tàu O 16 sống sót và bơi được vào bờ. Trong đợt kiểm tra gần đây, các nhà nghiên cứu phát hiện tàu K XVII đã “không cánh mà bay” trong khi tại vị trí của chiếc O 16 chỉ còn lại một vài mảnh vỡ.
Hiện nhà chức trách Hà Lan đang điều tra vụ việc và theo dấu hiệu ban đầu, khả năng lớn là 2 con tàu đã bị kẻ trộm trục vớt để bán phế liệu. Bất chấp những lời kêu gọi bảo tồn từ các cựu binh và nỗ lực của chính quyền, hàng chục xác tàu chiến Anh, Mỹ, Hà Lan, Úc... từ thời Thế chiến 2 đã bị trục vớt trái phép tại các vùng biển ở Đông Nam Á trong những năm gần đây. Các băng nhóm trộm xác tàu thường ngụy trang thành ngư dân hoặc giả dạng nhóm nghiên cứu từ các trường đại học, theo BBC. Nhà chức trách Indonesia năm ngoái đã khai quật một nghĩa trang vô danh trên đảo Java nhằm tìm xương cốt được cho là của thủy thủ Anh và Hà Lan trên các tàu chiến, nghi bị trục vớt trộm rồi chôn giấu.
Với thiết bị ngày càng hiện đại, việc trục vớt xác tàu chiến nằm cách mặt biển khoảng 80 m là điều không quá khó khăn đối với những “kẻ trộm mộ” chuyên nghiệp. Theo mô tả của The Guardian, các sà lan trục vớt trái phép thường cho thợ lặn mang theo thuốc nổ xuống trước để đánh vỡ xác tàu, sau đó dùng cần cẩu dài vớt mảnh vỡ lên. Đây được xem là chiến lợi phẩm rất có giá trị vì tàu chiến thời Thế chiến 2 được đóng từ kim loại “tinh khiết”, chưa bị nhiễm xạ từ các vụ thử hạt nhân sau này và là nguồn nguyên liệu quý để chế tạo một số thiết bị khoa học, y tế ngày nay. Bên cạnh đó, lượng thép phế liệu từ một con tàu có thể được bán với giá khoảng 1 triệu bảng (gần 29 tỉ đồng) trong khi những bộ phận khác bằng đồng như đường ống, dây cáp, chân vịt có giá hàng ngàn bảng mỗi tấn.

[VIDEO] Tìm thấy xác tàu sân bay Mỹ bị Nhật đánh đắm 75 năm trước

Trong khi đó, đối với các cựu binh và những nhà bảo tồn, xác tàu mang ý nghĩa lịch sử to lớn, đóng vai trò như “nấm mộ” của hàng ngàn anh hùng, lính thủy và dân thường. “Đây là điều rất đáng buồn. Con tàu là một ngôi mộ nhưng những người nằm bên trong đã không được yên nghỉ”, bà Jet Bussemaker, cháu gái của chỉ huy tàu O 16 Anton Bussemaker, nói về vụ biến mất mới nhất. Tờ De Telegraaf dẫn lời vị cựu Bộ trưởng Văn hóa, Giáo dục và Khoa học Hà Lan nói thêm vụ việc khiến toàn bộ người thân của các thủy thủ bị sốc và phẫn nộ vì đáng ra nơi yên nghỉ của binh sĩ tử trận phải được bảo vệ cẩn thận. Đáng chú ý là mới tháng trước, Hà Lan và Malaysia đã ký thỏa thuận cam kết tăng cường bảo vệ xác tàu đắm từ thời chiến trong vùng biển Malaysia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.