Tờ South China Morning Post dẫn nguồn từ nhóm nghiên cứu cho biết xét nghiệm phân có thể là biện pháp thay thế cho xét nghiệm dịch lấy từ sâu trong cổ họng, thậm chí còn cho kết quả chính xác hơn khi tìm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây COVID-19.
Khoa Dược tại Đại học Trung văn Hồng Kông gần đây đã xét nghiệm 339 mẫu bệnh phẩm từ 14 bệnh nhân, trong đó có các mẫu phân, đờm, dịch mũi, dịch cổ họng, máu và nước tiểu.
Xét nghiệm mẫu phân cho thấy tất cả 14 bệnh nhân đều nhiễm COVID-19 dù bệnh nặng hay nhẹ. Tuy nhiên, trong số này có 3 bệnh nhân có mẫu đờm, dịch mũi và dịch cổ họng xét nghiệm âm tính.
Trong khi đó, không mẫu nước tiểu nào chứa SARS-CoV-2 nhưng các mẫu máu của 4 bệnh nhân lại chứa virus này.
“Nếu bạn có đờm, dĩ nhiên tốt nhất nên xét nghiệm để xem có nhiễm SARS-CoV-2 hay không. Đó là do tải lượng virus cao. Nhưng không phải ai cũng có đờm”, theo giáo sư Paul Chan Kay-sheung tại Đại học Trung văn Hồng Kông.
Với những bệnh nhân không có đờm có thể xét nghiệm dịch sâu trong cổ họng, nhưng nhiều người có thể không biết cách khạc đúng nên việc xét nghiệm mẫu bệnh phẩm này có 42% nguy cơ cho kết quả âm tính sai.
Nghiên cứu cho thấy tải lượng virus là 3,2 triệu/ml ở đờm, 12.000/ml ở phân và 10.000/ml ở dịch cổ họng.
Giáo sư Chan khuyến cáo những người xét nghiệm dịch cổ họng âm tính với SARS-CoV-2 vẫn nên giữ vệ sinh và đeo khẩu trang vì có nguy cơ cao về việc cho kết quả sai.
Ông nói thêm rằng mọi người nên cẩn thận về vệ sinh ở các nhà vệ sinh công cộng vì COVID-19 có thể lây lan qua phân. Điều này là do bệnh nhân phải xả nước và có thể chạm vào nắp bồn cầu trước khi đi rửa tay.
Giáo sư David Hui Shu-cheong khuyến cáo người dân nên xả nước vào miệng lỗ thoát nước trong nhà vệ sinh và đóng nắp bồn cầu trước khi xả.
Nhóm nghiên cứu dự định tiếp tục thử nghiệm với 100 người không có triệu chứng nhiễm COVID-19 hiện đang ở các trung tâm cách ly.
Bình luận (0)