(TNO) Đã 20 năm trôi qua kể từ sau SEA Games 18 tại Chiang Mai (Thái Lan) với tấm HCB lịch sử của môn bóng đá nam, nay nhìn lại, những người hùng năm ấy đều dành lời khen ngợi đến các đàn em của mình trước thềm SEA Games 28.
Công Phượng đang là một trong những niềm kỳ vọng của HLV Miura tại SEA Games 28 - Ảnh: Khả Hòa
|
Chân sút tài hoa với phong cách lãng tử một thời của bóng đá Việt Nam Huỳnh Quốc Cường từng có 2 bàn thắng tại Chiang Mai nay đang làm trợ lý tại đội Đồng Tháp. Đến nay, sau 20 năm, những ký ức của kỳ SEA Games 1995 đầy ấn tượng đó vẫn còn mới như in.
“Đó là lần đầu tiên tôi dự SEA Games. Khi đó hồi hộp lo sợ lắm. May là trước đó được đi tập huấn, cọ xát tại tại Đức và Thụy Sĩ nên mới đỡ tâm lý, anh em mới thể hiện được.
Các em bây giờ có kinh nghiệm trận mạc, cọ xát nhiều, dự các giải thi đấu nhiều nên bản lĩnh hơn chúng tôi hồi xưa. Các tiền đạo rất có bản lĩnh, đặc biệt chỗ Công Phượng.
Công Phượng có tố chất của một cầu thủ lớn. Có một điểm chưa như ý là hiện tại em vẫn hơi cá nhân. Chỉ cần hợp lý hơn một chút, tùy theo tình huống nào rê dắt, tình huống nào phối hợp được thì Phượng sẽ là hung thần với mọi khung thành”, HLV Huỳnh Quốc Cường nhận xét.
Duy Mạnh tranh chấp bóng cùng Huy Toàn trong buổi tập chiều ngày 27.5 tại Singapore - Ảnh: Khả Hòa
|
Trao đổi cùng Thanh Niên Online, là chắn thép ngày nào HLV Nguyễn Hữu Thắng xin “kiếu” phần bình luận về các cầu thủ U.23 Việt Nam với lý do đã nghỉ ngơi, xa rời bóng đá nửa năm nên không nắm rõ tình hình.
Tuy nhiên, ông đã có những nhận xét tổng thể rất sâu sắc về sự khác biệt giữa 2 thế hệ: “Nghệ thuật tấn công và phòng ngự trong bóng đá qua 20 năm đã khác nhau nhiều. Ngày xưa trong phòng ngự khi đá hậu vệ rất nặng với vỏn vẹn bộ tứ trước mặt thủ môn, giỏi lắm cộng thêm một người thứ 5 là tiền vệ trung tâm.
Dần dần khi bóng đá phát triển đã hình thành cả một hệ thống 11 người trong hệ thống phòng ngự, chứ không phải khoán trọn cá nhân hay 1 vị trí nào cả.
Trong tấn công cũng vậy, đa dạng hơn nhiều. Bóng đá hiện đại là toàn đội hình đội hình phòng ngự và toàn đội hình tấn công. 2 hậu vệ cánh là vừa đá tiền vệ, tiền đạo đòi hỏi rất cao”.
U.23 Việt Nam rất cần sự đột biến của những tiền vệ cánh như Phi Sơn, Huy Toàn... - Ảnh: Khả Hòa
|
SEA Games 1995 là cột mốc quan trọng, đánh đấu lần đầu tiên sơ đồ 4-4-2 được sử dụng ở cấp độ đội tuyển tại một giải chính thức. Khi ấy, bộ tứ tiền vệ của đội tuyển bao gồm Hoàng Bửu đá trụ, Hồng Sơn đá hộ công với 2 biên rất linh hoạt là Công Minh bên phải, Hữu Đang bên trái.
HLV Hữu Đang cho rằng lối chơi của HLV Miura sẽ dựa nhiều vào các tay chạy cánh: “Cặp tiền vệ trung tâm của U.23 Việt Nam lúc này thiên về thu hồi nhiều hơn là kiến thiết. Sức mạnh của đội bóng sẽ năm ở đôi cánh, nơi chúng ta có những cầu thủ rất giỏi.
Huy Toàn, Phi Sơn, Văn Toàn, Ngọc Thắng… là những người có thể đá trong vai trò tiền vệ/tiền đạo cánh. Trong mắt tôi, Huy Toàn với tốc độ và khả năng chớp thời cơ rất nhanh sẽ là một nhân tố quan trọng trong hành trình săn vàng của thầy trò HLV Miura”.
Dự kiến, theo lịch thi đấu đã công bố U.23 Việt Nam sẽ có trận mở màn SEA Games 28 gặp U.23 Brunei vào lúc 15 giờ ngày 29.5.
20 năm, 2 thế hệ, 1 giấc mơ
* 1995 (HLV Weigang): Đội hình chính: Văn Cường; Chí Bảo, Mạnh Cường, Hữu Thắng, Lê Đức Anh Tuấn; Công Minh, Hoàng Bửu, Hồng Sơn, Hữu Đang; Huỳnh Đức, Quốc Cường. * 2015 (HLV Miura): Đội hình dự kiến: Văn Tiến; Tấn Tài, Ngọc Hải, Tiến Dũng, Mạnh Hùng; Ngọc Thắng, Huy Hùng, Thanh Hiền, Huy Toàn; Công Phượng, Mạc Hồng Quân. |
Bình luận (0)