Sau nhiều thập niên tự do phát triển tên lửa, Triều Tiên được cho là đang sở hữu một kho vũ khí đáng gờm bất chấp các lệnh cấm vận của LHQ.
Hình ảnh được cho là tên lửa liên lục địa KN-08 trong một cuộc diễu binh ở Bình Nhưỡng - Ảnh: The Star |
HĐBA LHQ ngày 19.3 lên án việc CHDCND Triều Tiên phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm trung Nodong (hay còn được gọi là Rodong) vào sáng 18.3. Có tầm bắn tối đa 1.300 km, Nodong đủ sức đặt toàn bộ Hàn Quốc và phần lớn lãnh thổ Nhật Bản trong tầm ngắm.
Phía Hàn Quốc lập tức tuyên bố sẽ tiến hành “các bước cần thiết” để đáp trả “hành động khiêu khích mới nhất” của miền Bắc và cảnh báo tình hình bán đảo Triều Tiên có nguy cơ bị đẩy lên mức khủng hoảng. Nhật phản ứng bằng cách ra lệnh cho lực lượng phòng vệ bắn hạ bất kỳ tên lửa hay mảnh vỡ nào từ Triều Tiên bay qua không phận nước này, còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố nước này đang nỗ lực bảo vệ chính mình và các đồng minh khỏi “mối đe dọa” từ Triều Tiên, theo Yonhap.
Kể từ sau lần thử hạt nhân hồi tháng 1, Triều Tiên liên tục phóng đủ loại tên lửa nhằm đáp trả biện pháp trừng phạt của quốc tế. Phản ứng của các đối thủ cũng đã phần nào bộc lộ sự lo ngại trước sức mạnh tên lửa nước này.
Lâu nay, đa phần dư luận bên ngoài tin rằng khí tài quân sự của Bình Nhưỡng đều thuộc loại cũ kỹ, sức chiến đấu không cao nhưng riêng về tên lửa thì Triều Tiên là một thế lực đáng gờm nhờ tập trung công của phát triển suốt mấy chục năm qua. Theo nghiên cứu mới mang tên “Chương trình tên lửa đạn đạo Triều Tiên” của Ủy ban Quốc gia về Triều Tiên (NCNK, Mỹ), miền Bắc được cho là sở hữu hơn 1.000 tên lửa. Trong đó, nhiều loại tên lửa đạn đạo tầm xa đang được phát triển nên chưa rõ số lượng. Hỏa tiễn tầm trung có khoảng 300 quả, bao gồm 200 tên lửa Nodong, có thể vươn tới các căn cứ Mỹ ở Thái Bình Dương. Riêng các mục tiêu gần hơn tại Hàn Quốc thì nằm trong sự đe dọa của khoảng 700 tên lửa tầm ngắn.
“Đại gia” xuất khẩu vũ khí
Theo BBC, chương trình tên lửa Triều Tiên có nền tảng kỹ thuật căn bản là tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud do Liên Xô chế tạo cộng thêm sự hỗ trợ, hợp tác với nhiều bên khác như Trung Quốc để đạt đến trình độ như ngày nay.
Từ năm 1969, Bình Nhưỡng đã nhận nhiều loại tên lửa chiến thuật của Moscow nhưng đến năm 1976 mới sở hữu tên lửa Scud đầu tiên. Sau gần 10 năm tự nghiên cứu, Triều Tiên cho ra phiên bản mới của Scud-B là Hwasong-5, tầm bắn 300 km và mang đầu đạn chứa 1.000 kg chất nổ vào năm 1984. Từ thành công này, Bình Nhưỡng tiến tới phát triển Hwasong-6 với đầu đạn nhỏ hơn một chút (700 - 750 kg) nhưng nhờ vậy mà tăng được tầm bắn lên 500 km. Cả Hwasong-5 và Hwasong-6 đều có thể mang đầu đạn hạt nhân, hóa học và sinh học, theo BBC.
Cũng dựa vào nền tảng Scud, Triều Tiên lần đầu cho phóng thử tên lửa tầm trung Nodong vào thập niên 1990. Tầm bắn vượt xa các đời Hwasong nhưng độ chính xác của Nodong bị đánh giá là không cao. Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng hỏa tiễn này sẽ được dùng để tấn công các khu vực đông người hơn là những mục tiêu quân sự đòi hỏi độ chính xác cao.
Trong suốt giai đoạn thập niên 1980 - 1990, Mỹ bận rộn với các vấn đề Trung Đông và Liên Xô, còn Hàn, Nhật, Trung tập trung phát triển kinh tế nên Triều Tiên không bị “soi” kỹ như ngày nay và tương đối tự do phát triển tên lửa, theo nghiên cứu của NCNK. Nhờ đó, nước này không những xây dựng một kho vũ khí mạnh mẽ mà còn có vị thế nổi bật trong thị trường thế giới.
Ngay từ năm 1985, Triều Tiên đã xuất khẩu khoảng 100 tên lửa Hwasong-5 cho Iran và Tehran lập dây chuyền chế tạo loại tên lửa này với tên Shahab-1. Nhiều bộ phận hoặc toàn bộ công nghệ Nodong cũng được xuất khẩu rộng rãi và trở thành tiền đề phát triển tên lửa Shahab-3 của Iran lẫn Ghauri-II của Pakistan. Theo giới phân tích, doanh thu bán tên lửa của Triều Tiên đạt đến đỉnh cao vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, chủ yếu nhờ xuất khẩu sang các bạn hàng Trung Đông.
Lược đồ tầm bắn các loại tên lửa đạn đạo của Triều Tiên - Ảnh: BBC/Đồ họa: Hồng Kỳ
|
Đe dọa lãnh thổ Mỹ?
Mỹ bắt đầu quan ngại về chương trình tên lửa Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa Taepodong-1 tầm bắn 2.200km vào tháng 8.1998. Vài tháng sau, Washington chủ động nối lại đàm phán và đến tháng 9.1999, Bình Nhưỡng đồng ý ngừng thử tên lửa tầm xa miễn là đối thoại song phương vẫn tiếp diễn, theo NCNK. Tuy nhiên, tình hình dền dứ kéo dài đến năm 2005, Triều Tiên đơn phương rút khỏi vòng đàm phán hạt nhân 6 bên và tuyên bố nối lại phát triển tên lửa tầm xa.
Nói là làm, Triều Tiên phóng thử Taepodong-2 vào ngày 5.7.2006. Sở hữu công nghệ đa tầng, tức các phần của tên lửa tự tách ra khi đạt độ cao nhất định để tiếp tục vươn tới mục tiêu nên Taepodong-2 đạt tầm bắn 6.000 km, đủ để xếp vào hàng liên lục địa cũng như đe dọa được Úc và lãnh thổ bang Alaska của Mỹ. Do đó, dù đợt phóng thử hoàn toàn thất bại (tên lửa chỉ bay được 42 giây thì phát nổ) nhưng dư luận bên ngoài cực kỳ quan ngại, kéo theo hàng loạt cấm vận của HĐBA LHQ.
Đến nay, chưa rõ Taepodong-2 đã phát triển đến đâu nhưng Triều Tiên sử dụng nền tảng công nghệ của hỏa tiễn này để chế tạo tên lửa đẩy được gọi là Unha chuyên dùng mang vệ tinh vào quỹ đạo. Chính vì thế mà các lần phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng vào năm 2012 và tháng 2.2016 đều bị Washington cùng đồng minh cáo buộc là “thử tên lửa đạn đạo trá hình”.
Bên cạnh Taepodong-2, Triều Tiên hiện đang phát triển nhiều loại tên lửa đạn đạo khác. Trong các đợt diễu binh năm 2007 và 2010, tên lửa Musudan đã được ra mắt trước quốc dân. Có tầm bắn 2.500 - 4.000 km, Musudan là mối nguy thường trực cho Nhật và căn cứ Mỹ ở Thái Bình Dương, theo BBC.
Ngoài ra, các nguồn tin tình báo tiết lộ dự án tham vọng nhất của Triều Tiên hiện nay là tên lửa đạn đạo liên lục địa KN-08 gắn trên bệ phóng di động tầm bắn lên đến 12.000 km với bản mẫu ra mắt lần đầu năm 2012. Đến nay, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố chưa có dấu hiệu cho thấy Triều Tiên sẽ sớm thử KN-08 nhưng nước này đang cấp tập tìm cách thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để trang bị cho tên lửa này, theo tuần báo Defense News.
Cũng trong “họ” KN còn có tên lửa đạn đạo tầm ngắn chiến thuật KN-02 tầm bắn 100 - 120km, đủ vươn tới thủ đô Seoul của Hàn Quốc, tên lửa hành trình chống hạm KN-09 và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm KN-11. Cách đây vài ngày, Yonhap dẫn lời giới chuyên gia Mỹ loan báo kết quả phân tích hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Triều Tiên đang đẩy mạnh phát triển KN-11.
Bình luận (0)