Thế nào là làm lộ bí mật nhà nước?

Phan Thương
Phan Thương
10/05/2024 09:57 GMT+7

Ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB-XH, bị Cơ quan an ninh điều tra Công an TP.Hà Nội bắt tạm giam với cáo buộc cố ý làm lộ bí mật nhà nước.

Trước đây, Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”), Nguyễn Hữu Bách (cựu cán bộ Bộ Công an)... từng bị khởi tố cùng về tội “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”.

Ngoài ra, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng bị khởi tố về tội “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”.

Vậy như thế nào là bí mật nhà nước, luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM) đã có trao đổi nhanh với PV Báo Thanh Niên.

Thế nào là làm lộ bí mật nhà nước?- Ảnh 1.

Luật sư Lê Văn Hoan

Căn cứ theo khoản 1, 2 Điều 2 luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 quy định, bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định luật Bảo vệ bí mật nhà nước, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Hình thức chứa bí mật nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác; và cách để người dân có thể biết được đó là tài liệu mật, sẽ căn cứ vào cách phân biệt ở 3 cấp độ: tuyệt mật, tối mật, và mật. 3 cấp độ này sẽ được ghi rõ trên các văn bản, tài liệu...

Bảo vệ bí mật nhà nước là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân. Vì vậy, điều 5 luật Bảo vệ bí mật nhà nước cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ bí mật nhà nước, nếu vi phạm thì bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự tương ứng, tùy hành vi và mức độ vi phạm.

Về phạm vi bí mật nhà nước, Điều 7 luật Bí mật nhà nước quy định rất chi tiết, đó là giới hạn thông tin quan trọng trong các lĩnh vực sau đây chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ bí mật nhà nước:

  • Làm lộ, chiếm đoạt, mua, bán bí mật nhà nước; làm sai lệch, hư hỏng, mất tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước.
  • Thu thập, trao đổi, cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước trái pháp luật; sao, chụp, lưu giữ, vận chuyển, giao, nhận, thu hồi, tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước trái pháp luật.
  • Mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ trái pháp luật.
  • Lợi dụng, lạm dụng việc bảo vệ bí mật nhà nước, sử dụng bí mật nhà nước để thực hiện, che giấu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp hoặc cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
  • Soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước trên máy tính hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ trường hợp lưu giữ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về cơ yếu.
  • Truyền đưa bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin, viễn thông trái với quy định của pháp luật về cơ yếu.
  • Chuyển mục đích sử dụng máy tính, thiết bị khác đã dùng để soạn thảo, lưu giữ, trao đổi bí mật nhà nước khi chưa loại bỏ bí mật nhà nước.
  • Sử dụng thiết bị có tính năng thu, phát tín hiệu, ghi âm, ghi hình trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước dưới mọi hình thức khi chưa được người có thẩm quyền cho phép.
  • Đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông.

Điều 5 luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.