Cụ thể, điều 7 của nghị định nêu: “Hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc của VN sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng. Thẩm quyền xử phạt thuộc về cơ quan thanh tra chuyên ngành, UBND và công an nhân dân các cấp, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển”.
Khiêu vũ nghệ thuật, bóng chuyền bãi biển... có bị phạt ?
Quy định nói trên có phần gây hoang mang cho những VĐV đang tập những môn thể thao đòi hỏi phải có hình thức bên ngoài từ khuôn mặt, hình thể cho đến trang phục, động tác phải đẹp, hấp dẫn như thể dục nghệ thuật, khiêu vũ thể thao, thể hình, bóng chuyền bãi biển… Một nữ tuyển thủ quốc gia đội khiêu vũ thể thao cho hay: “Các động tác trong môn khiêu vũ thể thao thường là sự cọ xát giữa cơ thể hai VĐV nam và nữ. Sự quyến rũ của môn thể thao này nằm ở những động tác uyển chuyển, có phần hơi… sexy.
Nếu coi đó là khiêu dâm và đồi trụy để mang ra phạt thì không ai dám tập luyện nữa và dẫn đến môn này sẽ bị triệt tiêu ở VN”. Còn HLV của nữ VĐV này nói: “Môn của chúng tôi có quy định về trang phục phải che kín bao nhiêu phần trăm cơ thể, không được mặc bộ quần áo bó sát mà đồng màu với màu da, gây hiểu nhầm cho người xem, thậm chí quần không được để lộ bao nhiêu phần trăm mông, cũng phải thực hiện nghiêm túc. Chúng tôi chỉ thắc mắc là VĐV nam nữ khiêu vũ với nhau, ánh mắt không nhìn nhau đắm đuối, các động tác không quyện với nhau thì sao gọi là khiêu vũ. Quốc tế họ vẫn tập thế, họ có bị nước họ phạt không?”.
Bà Nguyễn Thị Kim Lan, Tổng thư ký Liên đoàn Thể dục VN, nói: “Ở những giải đấu môn bơi lội, thể dục nghệ thuật, khiêu vũ thể thao, liên đoàn thể dục hay hiệp hội thể thao dưới nước VN đã đưa ra những quy định rất cụ thể không chỉ về trang phục mà còn về động tác. VĐV không được để lộ “nội y” hoặc khi dựng bài cho VĐV, HLV phải xây dựng động tác không mang tính gợi dục, thiếu văn hóa, tuyệt đối không có động tác giơ ngón tay lên, giả động tác bắn súng. Những quy định này cũng khá giống với nội dung Nghị định 46. Thế nhưng ở một số môn như thể dục dụng cụ, thể hình, bơi lội hay bóng chuyền bãi biển trang phục cũng rất đặc thù thì không thể coi VĐV vi phạm nghị định được”.
|
Cần hướng dẫn rõ ràng
Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Ở một số môn mới được đưa vào VN những năm gần đây như múa cột, liệu người tập có bị phạt nếu chỉ nhìn vào trang phục và động tác hình thể? Ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL, trả lời: “Nếu có hành động quá phản cảm thì phải lập hội đồng xem xét, đánh giá hành vi đó vi phạm ở mức độ nào. Nếu người tập thực hiện động tác không ưỡn quá mức, hoặc không cúi quá mức thì vẫn là những động tác có nét đẹp. Nghị định 46 mang tính răn đe, có cái khó quy định chi tiết. Một phần vì văn hóa VN không giống văn hóa nước ngoài. Quy định về trang phục hở hang, chúng tôi cũng không thể quy định chi tiết ngắn chừng nào vì như vậy khi xử phạt chúng tôi phải đo. Như thế rất khó. Có những điều khoản để răn đe là chính”.
|
HLV Trương Minh Sang (đội tuyển thể dục dụng cụ VN) phân tích: “Nghị định gây xôn xao bởi có thể còn một số câu chữ khá mơ hồ, thiếu sự rõ ràng, gây khó khăn cho đối tượng thực hiện. Nhưng theo quan điểm của tôi, sự ra đời của Nghị định 46 không thừa đâu bởi trên thực tế, một số người tập bán chuyên nghiệp khi đến phòng gym đã cố tình “biến tấu” trang phục, cố tình để lộ hàng, gây hình ảnh phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục. Bị phạt là đúng. Với những VĐV chuyên nghiệp, nếu mặc trang phục quá hở hang sẽ bị trọng tài trừ điểm lúc thi đấu hoặc nếu thái quá, thậm chí còn bị cấm thi đấu ở giải đấu đó. Tuy nhiên, cần phải có văn bản nói rõ, các VĐV chuyên nghiệp chỉ được phép mặc những bộ quần áo phục vụ nghề nghiệp trong lúc tập luyện, thi đấu, không được phép mặc ra nơi công cộng, gây mất mỹ quan đô thị. Nghị định 46 có hiệu lực kể từ 1.8.2019 và theo tôi, cần sớm có thông tư hay quyết định hướng dẫn việc thực hiện nghị định thì mới không tạo ra những luồng ý kiến trái chiều”.
|
Xuất hiện yoga khỏa thân tại VN
Trong cuộc họp báo sáng 1.8, ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL giải thích, Nghị định 46 được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực TDTT được quy định trong Nghị định 158 năm 2013 và Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 158 là Nghị định 28 năm 2017. Ông Phúc nói: “Qua thực tế kiểm tra, một số môn thể thao hiện nay như yoga đã xuất hiện yoga khỏa thân. Như thế là trái với thuần phong mỹ tục. Hoặc thậm chí thể dục dưỡng sinh cũng có những hình thức như “suối nguồn tươi trẻ”. Hay như vừa qua hoạt động tập pháp luân công vẫn diễn ra lén lút. Chúng tôi biết cả môn khiêu vũ thể thao cũng ăn mặc phản cảm và có những động tác biến tấu không phù hợp, hình thức tập luyện không đúng”.
Ông Phạm Xuân Phúc cho biết thêm, ngay cả môn thi đấu võ MMA hiện cũng chưa được cấp phép ở VN, nhưng vẫn có nơi lén lút tổ chức. Vì vậy, Nghị định 46 có điều nêu rõ: “Người sử dụng các bài tập hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe người tập, thi đấu (trừ những bài tập, môn thể thao, phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao được pháp luật cho phép) sẽ bị phạt từ 10 - 15 triệu đồng”.
Kiều Trinh
|
Bình luận (0)