Thê thảm danh thắng ở Lâm Đồng

28/10/2008 23:13 GMT+7

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã phải kiến nghị UBND tỉnh đóng cửa và thu hồi dự án đối với hàng loạt khu, điểm du lịch xuống cấp vốn là danh thắng cấp quốc gia, cấp tỉnh.

Khai thác kiểu "tận thu"

Trên địa bàn Lâm Đồng hiện có 31 khu, điểm du lịch hoạt động kinh doanh phục vụ khách. Hầu hết các khu, điểm này là những danh lam, thắng cảnh đã có thương hiệu và giá trị về cảnh quan, lịch sử, văn hóa được đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ khách tham quan. Tuy nhiên, số vốn đầu tư cho các điểm du lịch không lớn, rất sơ sài, tiến độ kéo dài và vừa đầu tư vừa khai thác kinh doanh, chưa có quy hoạch tổng thể chung. Bên cạnh đó, có sự trùng lắp lẫn nhau giữa các điểm tham quan, dịch vụ nghèo nàn cho nên đến nay nhiều khu, điểm đã xuống cấp và giảm giá trị nhiều lần so với trước đây.

Theo đánh giá của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Lâm Đồng, do chỉ tập trung khai thác mà không được quan tâm đầu tư nên hiện nhiều khu, điểm du lịch bị suy giảm khả năng thu hút khách, thậm chí nhiều điểm du khách không muốn đặt chân tới. Điều này làm giảm tính hấp dẫn, tính cạnh tranh của du lịch Lâm Đồng.

Ông Đỗ Văn Thể - Giám đốc Sở VH-TT-DL Lâm Đồng cho biết: "Nguyên nhân dẫn đến việc các thắng cảnh bị xuống cấp là do chủ đầu tư không đủ năng lực hoặc có năng lực nhưng không chịu đầu tư, chủ yếu khai thác cái có sẵn là chính. Bên cạnh đó, năm nào Sở cũng khuyến cáo các doanh nghiệp đầu tư đúng mục đích, nhưng thực tế họ chỉ hứa chứ không thực hiện đúng các cam kết". Cũng theo ông Thể, hiện nay Sở giao cho Phòng Quản lý di sản văn hóa, Phòng Nghiệp vụ du lịch và Thanh tra Sở tăng cường kiểm tra, nhà đầu tư nào không đủ điều kiện thì đề nghị UBND tỉnh kiên quyết thu hồi dự án...

Còn đâu danh thắng quốc gia?

Theo thống kê của Sở VH-TT-DL Lâm Đồng, có đến hơn 50% các khu, điểm du lịch đầu tư, kinh doanh kém hiệu quả (trong đó có 10/17 thắng cảnh quốc gia xuống cấp). Ông Đinh Bá Quang - Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở VH-TT-DL) Lâm Đồng cho biết: "Theo quy định, hằng năm các đơn vị trích từ 3 - 5% lãi suất kinh doanh để tu bổ, tôn tạo và tổ chức các hoạt động văn hóa tại di tích. Thế nhưng thực tế qua kiểm tra thì các điểm này không thực hiện được như vậy".

Khu du lịch thác Prenn (được công nhận thắng cảnh cấp quốc gia năm 1998) nằm ngay cửa ngõ Đà Lạt, có nhiều lợi thế về vị trí và thương hiệu cảnh quan. Thế nhưng sản phẩm du lịch ở đây còn đơn điệu, những năm qua không có sản phẩm đầu tư mới và hiện còn bị ô nhiễm môi trường. Khu du lịch thác Cam Ly còn thê thảm hơn khi môi trường cảnh quan bị xuống cấp và ô nhiễm trầm trọng, thế nhưng vẫn bán vé tham quan dù Sở VH-TT-DL đã nhiều lần kiến nghị đóng cửa. Bên cạnh thác Cam Ly, lăng Nguyễn Hữu Hào (thân phụ Nam phương Hoàng hậu) có những nét độc đáo về văn hóa lịch sử, văn hóa kiến trúc đang bị bỏ hoang và xuống cấp... Cả 3 khu, điểm này đều do Công ty CP dịch vụ du lịch Đà Lạt quản lý, khai thác. "Từ khi "rơi" vào tay Công ty CP dịch vụ du lịch Đà Lạt thì các thắng cảnh đều xuống cấp" - ông Đinh Bá Quang nói.

 
Hồ Than Thở đầy bèo - Ảnh: Gia Bình

Khu du lịch hồ Than Thở (danh thắng quốc gia) cũng chẳng khá hơn. Đã quá hạn 3 năm mà nhà đầu tư mới không lập dự án đầu tư, hiện hồ bị bồi lắng, cảnh quan xuống cấp, giá trị di tích bị giảm nhưng vẫn khai thác kinh doanh. Khuôn viên của ga xe lửa Đà Lạt đang bị lấn chiếm, cảnh quan bị xuống cấp nhưng cơ quan chủ quản không có vốn đầu tư để khai thác. Thác Gougha bị ngập nước do hồ thủy điện Đại Ninh nên không còn "dấu hiệu của thác"; thác Liên Khương và thác Pongour thường xuyên "chết khát" vào mùa khô. Cùng với đó, "trái tim" của TP Đà Lạt là hồ Xuân Hương đang bị "ngộ độc" tảo lam bốc mùi hôi thối...
Tình trạng danh thắng xuống cấp như hiện nay đang làm giảm giá trị các tiêu chí danh thắng, mặt khác các khu, điểm du lịch xuống cấp, không được đầu tư sản phẩm mới khiến cho du khách nhàm chán, sức cạnh tranh của du lịch Đà Lạt, Lâm Đồng sẽ bị hạn chế. Những lợi thế cạnh tranh để phát triển ngành "công nghiệp không khói" của Lâm Đồng đang dần bị đánh mất...

Gia Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.