Đầu tư cho thể thao thành tích cao còn thấp
Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030 đã diễn ra chiều 21.12, với mục tiêu tìm ra phương hướng, giải pháp để nâng cao thành tích thể thao Việt Nam tại các sân chơi lớn như ASIAD hay Olympic.
Tại hội nghị, vấn đề nghịch lý của thể thao Việt Nam như giành ngôi cao tại SEA Games (dẫn đầu ở 2 kỳ SEA Games gần nhất) nhưng lại không thành công tại ASIAD và Olympic đã được đề cập. Cụ thể tại ASIAD 19, các VĐV Việt Nam chỉ giành 4 HCV, 15 HCB và 19 HCĐ, xếp sau các đoàn Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore. Tại Olympic Tokyo 2020 cách đây 2 năm, thể thao Việt Nam thậm chí "trắng" huy chương.
Theo Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt, có nhiều nguyên nhân ngăn cản thể thao Việt Nam "cất cánh" ở đấu trường châu Á và thế giới. Trong đó có các yếu tố như số lượng VĐV tham dự và thành tích tại Olympic và ASIAD không ổn định; hệ thống thi đấu trong nước tuy ổn định nhưng lại thiếu các giải thi đấu quốc tế đỉnh cao, các môn thể thao trọng điểm chưa có hệ thống thi đấu từ cấp tiểu học và phong trào tập luyện chưa phát triển rộng khắp; hệ thống cơ sở vật chất còn thiếu, đặc biệt với thể thao đỉnh cao; thiếu lực lượng HLV trình độ cao, được đào tạo bài bản, đủ khả năng huấn luyện các VĐV tầm cỡ khu vực.
"Ở nước ta, sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, thể thao thành tích cao đã có sự tiến bộ rõ nét, khẳng định vị thế trong khu vực Đông Nam Á và bước đầu tiếp cận trình độ thể thao của châu lục và thế giới. Tuy nhiên, sự phát thể thao thành tích cao của nước ta so với các nước trong châu lục và thế giới đang gặp những thách thức lớn cần đổi mới tư duy và cách làm thể thao thành tích cao.
Việc luôn là 1 trong 3 quốc gia có thành tích cao nhất tại khu vực Đông Nam Á nhưng không đạt được thành tích cao tại đấu trường thể thao châu lục và thế giới của thể thao Việt Nam xuất phát từ những vấn đề như sự cạnh tranh về thành tích thể thao ngày càng quyết liệt giữa các quốc gia.
Ngoài ra, đầu tư cho thể thao thành tích cao còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu để có thể đạt được thành tích, trình độ của châu lục và thế giới. Bên cạnh đó, thể lực và tầm vóc của người Việt Nam nói chung, các VĐV thể thao nói riêng còn hạn chế, thua kém nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực cũng như trên thế giới", Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt nêu quan điểm.
Muốn có vàng, trước hết phải có rất nhiều tiền
Tại hội nghị, Cục TDTT đặt ra mục tiêu tạo ra bước đột phá thành tích tại Olympic và ASIAD ở giai đoạn 2024 - 2030, xây dựng hệ thống đạo tạo VĐV khoa học, tập trung đầu tư trọng điểm cho các VĐV ưu tú, định hướng, xây dựng kế hoạch, lộ trình tập trung nguồn lực đầu tư, từ chuẩn bị lực lượng, công tác huấn luyện đến cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Đề cập đến ngân sách tổ chức thực hiện các nhóm giải pháp nâng tầm thể thao Việt Nam, Cục TDTT ước tính chia thành hai giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ năm 2024 đến năm 2026, tập trung xây dựng kế hoạch tuyển chọn, huấn luyện, chuẩn bị lực lượng tham dự Olympic 2024, SEA Games 2025 và ASIAD 2026. Đồng thời đầu tư, nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật và trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ bảo đảm chuẩn quốc tế phục vụ đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao thành tích cao.
Giai đoạn này cần khoảng 800 đến 850 tỉ đồng/năm, như vậy sẽ cần tổng cộng 2.400 tỉ đến 2.550 tỉ đồng cho giai đoạn này.
Giai đoạn 2 từ năm 2027 đến năm 2030, tập trung thực hiện những nhiệm vụ chính gồm triển khai kế hoạch tập huấn và thi đấu trong nước và quốc tế. Chuẩn bị lực lượng tham dự các kỳ Olympic 2028, ASIAD 2030 và SEA Games 2027 và 2029.
Giai đoạn này cần khoảng 850 đến 900 tỉ đồng/năm, như vậy sẽ cần tổng cộng 3.400 tỉ đến 3.600 tỉ đồng cho giai đoạn này.
Như vậy, tổng cộng thể thao Việt Nam cần nguồn kinh phí khoảng 5.800 đến 6.150 tỉ đồng để nâng tầm, hướng tới các giải đấu quan trọng.
Nguồn kinh phí triển khai thực hiện đề án được huy động từ các nguồn bao gồm: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn xã hội hóa (tài trợ, huy động hợp pháp khác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước).
Bình luận (0)