Rà soát chất lượng chuyên gia
Chiều 3.10, một trong những vấn đề đặt ra ở họp báo thường kỳ Bộ VH-TT-DL liên quan đến thể thao Việt Nam, đó là lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Cục TDTT tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, đồng thời xây dựng kế hoạch kỹ lưỡng chuẩn bị lực lượng VĐV cho SEA Games 33, ASIAD 2026, Olympic 2028.
Dù có hai kỳ SEA Games gần nhất đứng đầu toàn đoàn, nhưng thể thao Việt Nam đã thất bại ở Olympic 2020 và 2024. Điều này đặt ra câu hỏi: tại sao VĐV Việt Nam khẳng định được chỗ đứng ở Đông Nam Á, nhưng lại đuối sức so với Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia... khi vươn mình ra châu Á và thế giới?
Nhiều nguyên nhân được chỉ ra ở Hội nghị phát triển thể thao thành tích cao cuối năm 2023 như: số lượng VĐV, thành tích tại Olympic và ASIAD không ổn định; hệ thống thi đấu trong nước thiếu các giải quốc tế đỉnh cao; các môn thể thao trọng điểm chưa có hệ thống thi đấu từ cấp tiểu học và phong trào tập luyện chưa phát triển rộng khắp; hệ thống cơ sở vật chất còn thiếu, đặc biệt với thể thao đỉnh cao; thiếu lực lượng HLV trình độ cao, được đào tạo bài bản, đủ khả năng huấn luyện các VĐV tầm cỡ khu vực.
Trong đó, chuyện thể thao Việt Nam thiếu HLV và chuyên gia giỏi, ngay ở những môn trọng điểm, đã được chỉ ra từ lâu. Chia sẻ với Thanh Niên, lãnh đạo Cục TDTT cho biết đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn rà soát, đánh giá kỹ các HLV, chuyên gia các môn trọng điểm để chọn thầy giỏi cho chu kỳ Olympic mới.
Vấn đề... tiền đâu?
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, việc rà soát và đánh giá năng lực đội ngũ huấn luyện, đặc biệt là chuyên gia nước ngoài được bộ phận chuyên môn của Cục TDTT diễn ra liên tục.
Khi xây dựng kế hoạch cho các sân chơi quan trọng như SEA Games, ASIAD, việc đánh giá chuyên gia ở các môn thể thao trọng điểm (có khả năng mang về thành tích cao) trên các khía cạnh như chất lượng công việc, thời hạn hợp đồng, khả năng thích nghi, hợp tác trong công việc... sẽ được tiến hành. Chuyên gia sẽ được đánh giá toàn diện, không chỉ trên khía cạnh thành tích.
Ví dụ trường hợp chuyên gia Park Chung-gun ở đội tuyển bắn súng Việt Nam. Dù tại Olympic 2024, đội tuyển bắn súng Việt Nam không đạt huy chương. Tuy nhiên xét trên tổng thể, VĐV Trịnh Thu Vinh đã lọt tới tốp 4 nội dung 10 m súng ngắn hơi nữ và chung kết nội dung 25 m súng ngắn hơi nữ.
Đây được xem như thành công, khi Thu Vinh là VĐV Việt Nam duy nhất tại thế vận hội vượt qua vòng loại ở nội dung thi đấu. Bởi vậy, Cục TDTT đề xuất tái ký hợp đồng với ông Park. Dù vậy, chuyên gia người Hàn Quốc đã từ chối.
Thành công của thể thao Việt Nam trong nhiều năm qua là minh chứng cho câu nói "Danh sư xuất cao đồ", tức là phải có thầy giỏi, mới có trò hay. Chất lượng đội ngũ huấn luyện đóng vai trò chính trong nhiệm vụ nâng tầm VĐV. Trong đó, vai trò các chuyên gia nước ngoài rất quan trọng.
Ở một số môn trọng điểm, thể thao Việt Nam đang có chuyên gia giỏi, như trường hợp ông Park Chae-soon, người từng dẫn dắt đội tuyển bắn cung Hàn Quốc giành 11 HCV Olympic, hiện đang cống hiến cho đội bắn cung Việt Nam.
Tuy nhiên, vì lý do kinh phí, điều kiện làm việc, không phải môn nào cũng có chuyên gia giỏi. Đây là thiệt thòi với VĐV.
Kinh phí trả cho chuyên gia ngoại của thể thao Việt Nam trong năm 2023 là 36,1 tỉ đồng (khoảng 1,5 triệu USD). Sàn lương chuyên gia ở Việt Nam hiện ở mức tối đa 6.000 USD/tháng, thấp so với những nước như Malaysia, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan.
Đãi ngộ và điều kiện làm việc không hấp dẫn là trở ngại, khiến thể thao Việt Nam hiện chỉ có khoảng 20 đến 30 thầy ngoại. Một số chuyên gia đã hết hợp đồng và về nước. Trong đó môn bắn súng hiện chỉ có thầy nội, không có chuyên gia ngoại, dù đây là môn mũi nhọn để tìm kiếm huy chương ở ASIAD và Olympic.
Cục TDTT cần làm việc với các bộ môn, huy động nguồn lực xã hội hóa nhằm trả mức đãi ngộ cao hơn, để tìm được thầy giỏi hơn.
Muốn tìm chuyên gia đẳng cấp, tâm huyết, hiểu văn hóa Việt Nam, thích nghi với môi trường làm việc... không phải chuyện đơn giản. Kinh phí cho chuyên gia hiện tại không đủ lớn để thể thao Việt Nam rộng cửa đón người tài.
Bình luận (0)