Thể thao Việt Nam: Sắt son tình nghĩa thầy trò

20/11/2024 00:17 GMT+7

Có những cặp thầy trò nổi tiếng, gắn bó với nhau thời gian dài, mang về rất nhiều vinh quang cho thể thao VN trên khắp các đấu trường quốc tế.

Vũ Ngọc Lợi - Nguyễn Thị Huyền

Ngày nữ hoàng điền kinh VN Nguyễn Thị Huyền chia tay đường chạy, HLV Vũ Ngọc Lợi bật khóc như một đứa trẻ. Hai thầy trò nước mắt giàn giụa trong cái ôm nghĩa tình.

Họ gắn bó với nhau 15 năm qua, từ lúc Huyền mới là cô bé lớp 9. Trong hành trình của Huyền, ông Lợi luôn hiện diện như một người thầy, người cha, nâng bước cô học trò bất hạnh nhưng giàu nghị lực.

"Hai bác cháu gắn bó với nhau đúng 15 năm nên lúc chia tay bịn rịn lắm, xúc động trào dâng. Khi Huyền giành 2 HCV ở giải vô địch quốc gia nhưng biết sau đó không tập với mình nữa, hai bác cháu ôm nhau khóc", HLV Vũ Ngọc Lợi vẫn nghẹn ngào khi nhắc về giây phút đó cách đây 1 năm, thời điểm Nguyễn Thị Huyền nói lời chia tay đường chạy để rẽ sang một hướng đi khác.

Thể thao Việt Nam: Sắt son tình nghĩa thầy trò- Ảnh 1.

Thầy trò HLV Vũ Ngọc Lợi - Nguyễn Thị Huyền

Ảnh: NVCC

Năm 2015, Nguyễn Thị Huyền tạo "cơn mưa" HCV ở SEA Games và đạt suất tham dự Olympic 2016. Cô là VĐV điền kinh VN đầu tiên đạt 2 chuẩn Olympic trong một giải đấu. Lúc đó, ông Lợi khiến nhiều người bất ngờ khi xin nhường suất biên chế của mình cho cô học trò. Ông bảo: "Gia đình tôi ổn định rồi, con cái lớn, có công ăn việc làm và lập gia đình. Bản thân cũng có tuổi, lương ổn định nên muốn đổi cho cháu".

Ông kể: "Trong quá trình tập luyện, có những lúc mệt mỏi, Huyền không đáp ứng yêu cầu bài tập hay mất tập trung, bị nhiều tác động bên ngoài, hai thầy trò có lúc cáu kỉnh. Tôi cũng quát nạt. Nhưng không vì thế mà không thương nhau. Lúc bình tĩnh lại, tôi mới nói thực ra bác chỉ mong cháu phấn đấu rồi thì cố phấn đấu đến cùng. Cháu rất ngoan, biết điều và hiểu chuyện. Hai bác cháu chỉ thương quý nhau, không bao giờ ngừng quan tâm đến nhau".

Hồ Thị Từ Tâm - Trương Thanh Hằng

Trong làng điền kinh nước nhà, HLV Hồ Thị Từ Tâm như người mẹ hiền với tổ cự ly trung bình và dài. Cô lo từng nếp ăn, giấc ngủ, luôn xem VĐV như các con trong gia đình. Đó chính là bệ phóng để sản sinh ra nhà vô địch châu Á Trương Thanh Hằng.

Cựu chân chạy sinh năm 1986 Trương Thanh Hằng có bản thành tích đầy ấn tượng trong sự nghiệp. Cô đoạt 2 HCV, 1 HCB, 3 HCĐ giải điền kinh châu Á; 2 HCB Á vận hội; 7 HCV và 1 HCĐ ở các kỳ SEA Games. Đằng sau chiến công đó là dấu ấn của người mẹ hiền Hồ Thị Từ Tâm.

Năm 2002, Hằng từ TP.HCM ra Đà Nẵng tập trung đội tuyển trẻ quốc gia và cơ duyên đưa cô bắt đầu làm việc với HLV Từ Tâm. Bà luôn quan niệm phải biết hy sinh mới hy vọng thành công trong nghề. Quan điểm sống này gắn chặt vào tâm trí của Hằng. Cô như tìm ra chân lý cho tương lai của mình. Hằng luôn tự nhủ lòng phải thật ý chí, bền bỉ để quyết tâm theo nghề.

Với vai trò của người thầy, HLV Từ Tâm mang trong mình nhiệm vụ cao cả là tìm kiếm những viên ngọc thô để mài giũa thành ngôi sao sáng. Cả hai hợp nhau trong ý nghĩ, mục tiêu và quan điểm sống. Từ đó, Hằng xem cô như người mẹ hiền, cả trong lẫn ngoài sân tập, sàn thi đấu. Dịu hiền là thế nhưng khi bước vào các bài tập chuyên môn, HLV Từ Tâm luôn nghiêm khắc.

Hằng nhớ mãi: "Trong tập luyện, tôi vẫn sợ nhất những lúc không đạt yêu cầu về bài tập, cô Tâm mắng. Nhưng sau nghiệm lại, đó là những lời răn dạy giúp tôi nên người".

Trần Anh Hiệp - Nguyễn Thanh Phúc

Thể thao Việt Nam: Sắt son tình nghĩa thầy trò- Ảnh 2.

Thanh Phúc (giữa) bên cạnh người thầy Trần Anh Hiệp (trái)

Ảnh: NVCC


Cách đây 20 năm, Nguyễn Thanh Phúc gặp HLV Trần Anh Hiệp khi cả hai đều là con số 0. Họ chưa biết về đi bộ và phải mò mẫm, tìm đường. Gian nan, có lúc từng muốn bỏ, nhưng ý chí, khát vọng thôi thúc họ tiên phong với bộ môn này. Để rồi 20 năm qua, cả hai gặt hái vô vàn thành quả. Duyên nợ giúp thầy trò khai phá và tiếp tục dấn thân để duy trì, phát triển.

Đến nay, thể thao VN hiếm có cặp thầy trò nào 20 năm song hành với nhau và vẫn đang tiếp tục như "nữ hoàng đi bộ" Thanh Phúc và HLV Trần Anh Hiệp. Phúc kể: "Năm 2004, tôi đến với thể thao và bắt đầu được thầy Hiệp huấn luyện. Lúc đó, thầy là HLV tổ chạy trung bình. Tôi là VĐV chạy chứ không phải đi bộ. Thầy phát hiện tố chất nên khuyên tôi chuyển sang và chính thầy là người hướng dẫn".

Thời điểm đó, ông Hiệp thấy ở Phúc sự dẻo dai hiếm có của một VĐV. Đến với đi bộ, Phúc là cô bé mới 14 tuổi, còn Trần Anh Hiệp là cậu sinh viên vừa ra trường. Họ cùng nhau hun đúc ý chí muốn làm nên chuyện ở bộ môn mới mẻ này. Quãng thời gian khai phá môn đi bộ kéo dài đằng đẵng 2 năm. Nhiều lúc, họ muốn từ bỏ.

"Đây là môn đặc thù, bản thân người tập cũng thấy nhàm chán huống gì người ta nhìn vào. Chạy phải nhanh, còn đi bộ cứ ngoắc ngoáy, như kiểu đi xe máy đi một số đi hoài. Trò đi cũng lâu, mệt, mà nhìn thầy ngồi một mình cũng thương. Chưa kể, tôi có năng khiếu chạy, lại chạy tốt. Thầy có nghiệp vụ chạy nhưng lại gạt bỏ để theo đi bộ. Nhiều lần muốn bỏ cuộc lắm… Không biết bằng động lực nào để vượt qua. Thời điểm đó mình nghĩ mình còn trẻ nên muốn thử thách bản thân", nữ VĐV sinh năm 1990 tâm sự.

Cứ thế, hai thầy trò lầm lũi theo thời gian. Bước ngoặt đến khi Phúc giành HCV giải vô địch các lứa tuổi năm 2015. Từ Đông Nam Á, Phúc đánh chiếm châu Á và đoạt vé dự cả Olympic.

Năm 2018, Phúc từng giã từ sự nghiệp nhưng rồi vẫn quay lại và tiếp tục có hành trang cho các giải đấu sắp tới, nhất là SEA Games 2025 ở Thái Lan.

Phúc nói: "20 năm qua, thầy trò có vô vàn kỷ niệm. Ở các giải Đông Nam Á, ngày mai thi đấu nhưng hôm nay vẫn chưa biết lộ trình. Thế là thầy trò vác ba lô đi ngơ ngáo tìm lộ trình. Thương thầy, nhiều lúc muốn giải nghệ nhưng suốt ngày cứ tẩn mẩn, chăm chút từng tí, đến bây giờ tôi vẫn tập luyện". 

Thể thao VN còn có những cặp thầy trò nổi tiếng khác như: Trương Minh Sang - Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ), Nguyễn Đình Minh - Vũ Thị Hương (điền kinh), Lâm Minh Châu - Lê Quang Liêm (cờ vua), Đặng Anh Tuấn - Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi)…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.