Thể thao Việt Nam thay đổi để bứt phá

23/12/2023 06:19 GMT+7

Thể thao Việt Nam (VN) cần định hướng đúng đắn, cải thiện công tác quản lý cũng như huy động thêm nguồn lực để bứt phá, thay vì đi vào lối mòn thất bại ở những sân chơi lớn, dù liên tục giành ngôi cao ở SEA Games.

CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐỘI TUYỂN

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai công tác năm 2024 diễn ra ngày 22.12, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông đã yêu cầu Cục TDTT nhìn vào những tồn tại, khuyết điểm để có biện pháp khắc phục, nhất là công tác quản lý nhà nước tại một số đơn vị còn buông lỏng, dẫn đến sai phạm. "Việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, một số đơn vị có dấu hiệu mất đoàn kết trong nội bộ, công tác quản lý đội tuyển còn xảy ra sai sót, điển hình là vụ việc tại đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia đã ảnh hưởng đến uy tín của ngành", Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.

Thể thao Việt Nam thay đổi để bứt phá- Ảnh 1.

Bóng chuyền nữ VN (phải) xếp hạng tư ở ASIAD 19 năm 2023

ĐỘC LẬP

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông giao Cục TDTT tập trung cao độ cho công tác chuẩn bị lực lượng VĐV tham dự vòng loại Olympic Paris 2024. Hiện mới có 3 VĐV VN giành suất dự Olympic, trong khi mục tiêu đặt ra là giành từ 12 - 15 suất và có huy chương. Các VĐV VN chưa có suất dự sẽ phải cạnh tranh ở các giải đấu châu lục diễn ra trong nửa đầu năm 2024. Tại Olympic Tokyo 2020, thể thao VN có 18 VĐV tham dự, không giành được huy chương nào.

Cục TDTT cũng nhận nhiệm vụ chuẩn bị cho các đội tuyển bóng đá giành thành tích cao tại các sự kiện quốc tế, tăng cường triển khai thực hiện các thỏa thuận hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TDTT, đặc biệt trong công tác đào tạo VĐV, HLV, cán bộ nghiên cứu khoa học; đồng thời, nâng cao hiệu quả việc ứng dụng khoa học công nghệ và y học thể thao gắn với đào tạo huấn luyện thể thao đỉnh cao.

"Không thể chỉ chăm chăm phụ thuộc vào ngân sách"

Cục TDTT đã đề ra 6 nhiệm vụ để nâng tầm thể thao VN trong giai đoạn 2024 - 2030, bao gồm: quy hoạch, phân nhóm môn thể thao, xác định nội dung thế mạnh có khả năng giành huy chương tại ASIAD và Olympic; hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả huấn luyện VĐV; chăm lo cải thiện các chế độ, chính sách đặc thù (như lương, thưởng) cho HLV, VĐV; phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ, y học thể thao trong công tác huấn luyện; đẩy mạnh xã hội hóa thể thao; bảo đảm nguồn lực để phát triển kinh tế thể thao.

Trong đó, những yếu tố như đãi ngộ cho VĐV, HLV, ứng dụng khoa học công nghệ trong huấn luyện, thể thao, hay thực hiện xã hội hóa thể thao là vấn đề được các nhà quản lý, diễn giả thảo luận sôi nổi ở Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao VN đến năm 2030. Đây cũng là những vướng mắc, ngăn thể thao VN bước lên tầm cao mới mà ngành TDTT cần tìm hướng tháo gỡ.

Các VĐV trẻ cần những bữa ăn có đầy đủ dinh dưỡng như thế này

Trước hết, để phát triển thể thao thành tích cao, yếu tố trọng tâm vẫn là con người. Cục TDTT đề xuất đối với các VĐV trọng điểm, có khả năng giành HCV ASIAD 20 (năm 2024) và đạt chuẩn dự Olympic 2024, 2028, cần ưu tiên mọi nguồn lực để gửi đi đào tạo, tập huấn dài hạn ở nước ngoài. Với các VĐV tiềm năng, có khả năng đạt thành tích tại ASIAD 20 và những năm tiếp theo, cần kết hợp giữa tập huấn trong nước và tập huấn, thi đấu ngắn hạn ở nước ngoài. Với các VĐV ở các môn được xã hội quan tâm như bóng đá, bóng chuyền, quần vợt, cần tận dụng tối đa nguồn lực xã hội, kết hợp sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để đào tạo, tập huấn trong và ngoài nước. Quy trình đào tạo VĐV cũng được đề nghị ứng dụng khoa học và công nghệ sâu rộng hơn để phát triển nhân tài.

VĐV Khánh Phong đang quyết tâm giành vé đi Olympic

Về xã hội hóa thể thao, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, thể thao VN cần năng động, sáng tạo và "không thể chỉ chăm chăm phụ thuộc vào ngân sách", mà phải có những nguồn lực khác san sẻ. Cục TDTT đặt mục tiêu tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt với các tổ chức, doanh nghiệp để tranh thủ sự giúp đỡ về chuyên môn, tài chính; khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư vào công tác tuyển chọn, đào tạo các tài năng; phát huy vai trò tự chủ của các liên đoàn, hiệp hội. Với con số khoảng 6.000 tỉ đồng cần cho giai đoạn 2024 - 2030, nếu chỉ trông đợi vào ngân sách nhà nước, thể thao VN khó tạo nên bước đột phá. 

Về vụ việc VĐV ở đội tuyển bóng bàn trẻ VN không đảm bảo dinh dưỡng, đã có các án phạt khiển trách dành cho cá nhân liên quan. Đối với Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội là đơn vị trực tiếp quản lý đội bóng bàn, chuyên viên theo dõi và trưởng phòng nhận án khiển trách. Chuyên viên của Cục TDTT phụ trách môn bóng bàn cũng bị khiển trách do chưa hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.