(TNO) Thể thao Việt Nam (VN) đã chính thức bắt tay vào công cuộc đổi mới mà bằng chứng là cách đây ít ngày, ông Lâm Quang Thành, phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT đã chủ trì phiên họp quan trọng tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội với một số đội tuyển quốc gia nằm trong diện đầu tư trọng điểm, nội dung trọng điểm và tập huấn đặc biệt.
>> Một năm kém vui của thể thao Việt Nam
>> Thể thao Việt Nam trắng tay tại Olympic
>> Olympic 2012 - Thể thao Việt Nam đặt niềm tin vào cử tạ và taekwondo
Kiểm tra toàn diện
|
Nói quan trọng là bởi cuộc họp này có cả sự hiện diện của nhiều nhà khoa học thuộc Viện khoa học TDTT và lần đầu tiên trong lịch sử phát triển của thể thao VN, VĐV của 4 đội tuyển bắn súng, cử tạ, taekwondo, TDDC sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng, cẩn thận không chỉ về trình độ tập luyện (chuyên môn) mà còn được thử lượng vận động sinh lý bằng máy móc hiện đại.
Việc làm này sẽ có 3 tác dụng: đánh giá chính xác tình trạng thể lực VĐV trước một chu kỳ tập luyện cao độ, xem xét khả năng chịu đựng của cơ thể VĐV nhằm đưa ra biện pháp xử lý kịp thời nếu bị chấn thương hay đau ốm và giúp HLV điều chỉnh lại giáo án để có xác định rõ điểm rơi phong độ cho VĐV.
Trên thế giới, biện pháp khoa học này không còn xa lạ, nhưng ở VN vì nhận thức, vì thiếu tiền trầm trọng triền miên nên suốt một quãng thời gian dài nên bị bỏ bê đến tận bây giờ. Nhưng tại sao lại chỉ có 4 đội mà không mở rộng quy mô?
|
Ông Lâm Quang Thành nói với Thanh Niên Online: “Đây là 4 môn được ưu tiên số một nằm trong nhóm thứ nhất được đặt tên là S.A.O (SEA Games, Asiad, Olympic), nghĩa là vừa khả năng đoạt HCV SEA Games 27, HCV Asiad Incheon - Hàn Quốc năm 2014 và đoạt huy chương Olympic 2016. Sau khi ra soát lại, trong tuần tới, chúng tôi sẽ công khai tên khoảng 60 VĐV được đầu tư có chiều sâu nhất từ trước tới nay.
“Chúng ta đầu tư sâu với mục đích rất cụ thể, rõ ràng, ví dụ bắn súng phải đoạt 2 HCV cá nhân, đồng đội cự ly súng di động nam tại Asiad 2014 và có thể tại cả Olympic. Taekwondo đào tạo chuyên sâu và khác biệt so với những kỳ tập huấn trước đây (đang nhắm vào 4 VĐV nữ)… Đội cử tạ, Hoàng Anh Tuấn cũng nằm trong danh sách được kiểm tra toàn diện, và nếu đạt các chỉ số cần thiết, cũng sẽ được bổ sung vào đội tuyển”.
Liệu cơm gắp mắm
|
Nói đầu tư sâu cũng không hẳn đồng nghĩa với việc đã dồi dào nguồn kinh phí. Theo ông Thành, lãnh đạo ngành TDTT sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để có thể đưa ra mức kinh phí hợp lý nhất.
“Hiện tại, chúng tôi đang xây dựng cơ chế đặc thù cho VĐV trọng điểm trình Chính phủ, Bộ tài chính phê duyệt. Khi chưa có, buộc phải “liệu cơm gắp mắm. Khoản tiền nhà nước cho không nhiều hơn các năm trước nên rót cho các đội nói trên, lại buộc phải “co lại” ở một số môn khác.
Muốn thể thao VN nâng lên một bước để tiến công vào đấu trường lớn của châu Á và thế giới, rất cần có nhiều tiền. Điều làm chúng tôi lo lắng nhất là khó khăn, eo hẹp về kinh phí, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện.
Nhưng phải tìm cách khắc phục và không khó khăn nào là không thể vượt qua. 4 đội tuyển nói trên còn được hưởng chế độ dinh dưỡng, hồi phục, thuốc men dạng ưu tiên.
Tiền ăn vẫn 200 000 đồng/ngày nhưng ngành bằng nhiều cách khác nhau sẽ mua thêm cả thực phẩm chức năng, áp dụng một số liệu pháp vật lý và các phương pháp bổ trợ thế trạng tối ưu nhất trong điều kiện có thể của VN - điều mà hầu như chưa một thế hệ VĐV nào được hưởng trước kia”, lời quả quyết từ ông Thành - tổng chỉ huy của chiến dịch đổi mới thể thao VN.
Ông Thành còn lưu ý thêm một chi tiết, là ngoài nhóm S.A.O; S.A.Q (vòng loại Olympic), ngành cũng không cào bằng các phương thức đầu tư mà tách bạch thêm một số nhóm khác.
Trong đó nhóm S.A (đoạt HCV SEA Games và Asiad) với 3 môn cũng được chuẩn bị kỹ là karatedo, wushu, cầu mây; nhóm đoạt HCV SEA Games, nhóm VN có tiềm năng và nhóm VN cần phải nỗ lực (bóng bàn sắp tới sẽ thuê HLV Triều Tiên, cầu lông sẽ đào tạo thế hệ mới thay thế được Tiến Minh đang có dấu hiệu xuống dốc, bóng chuyền, bóng đá).
Ông Thành nói một câu khi kết thúc cuộc trao đổi với chúng tôi: “Liên đoàn bóng chuyền và bóng đá VN hoạt động có vẻ tốt nhất nhưng thành tích lại chưa có, nên phải tính toán lại cách làm. Tôi cũng nhận thấy một điều là ở VN, VĐV luôn tự nhận mình giỏi nhưng ra ngoài biển lớn, cái giỏi ấy đã đi đâu? Trách nhiệm của ngành là phải làm cho sự giỏi giang có cơ hội phát huy và tỏa sáng”.
Lan Phương
Bình luận (0)