(TNO) Ngay sau thất bại của hai kỳ vọng vàng môn karatedo vào sáng 4.10, trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 17 Lâm Quang Thành đã có cuộc trao đổi với Thanh Niên Online và các đồng nghiệp.
>> Lễ bế mạc ASIAD 17: Dấu ấn Incheon
>> Nữ võ sỹ Ấn Độ 'ăn vạ' khi nhận huy chương ASIAD 2014
>> ASIAD 2014 và những scandal dở khóc dở cười
Đạt nhiều huy chương nhưng vẫn không hoàn thành chỉ tiêu
|
Ông Thành nói: “Chúng ta đã trải qua 1 kỳ ASIAD với nhiều điều vui buồn lẫn lộn. Trong số 21 đội tuyển tham dự ASIAD, có 3 đội hướng xã hội hóa đi với mục tiêu học tập và hội nhập, còn lại 17 môn cũng đã được tập trung đầu tư, các VĐV cũng được chuẩn bị một cách nghiêm túc.
Môn bóng đá cũng có những thành công nhất định. Đội Olympic đứng nhất bảng để vào vòng tứ kết. Riêng đội bóng đá nữ lần đầu tiên vào bán kết.
Chúng tôi cũng xác định trước rằng, có 4 môn tham dự để tiếp cận với thành tích châu Á và không có huy chương, gồm vật, judo, bắn cung, cầu lông. Việt Nam có 13 môn có huy chương, đoạt tổng cộng 36 huy chương, trong đó 1 HCV (wushu), 10 HCB, 25 HCĐ. Có 6 môn lần đầu đạt huy chương tại đấu trường châu lục là xe đạp, boxing, bơi lội, đấu kiếm, TDDC, cử tạ.
Nếu tính về số lượng thì đây là một con số không nhỏ. Nhưng tính về mặt HCV thì so với chỉ tiêu tối thiểu phải phấn đấu vượt qua từ 2 tới 3 thì Việt Nam chưa đạt. Đặc biệt có nhiều môn chỉ trong một tích tắc giây phút cuối cùng, hay một thời điểm hết sức ngắn, VĐV chúng ta để vuột mất những tấm huy chương cao nhất.
Việc đánh giá chung và phân tích từng môn một, các đội tuyển đã tổng kết đánh giá trước khi rời Hàn Quốc. Và ngành TDTT cũng sẽ tổ chức tổng kết hết sức nghiêm túc về những gì đã làm được và chưa làm được tại ASIAD lần này.
Cần phải có những nhìn nhận chuẩn xác hơn về thực lực của thể thao Việt Nam, về sự chuẩn bị của chúng ta, về những điều kiện và kinh nghiệm. Bởi Việt Nam còn tiếp tục phải tham gia những đấu trường không những chỉ khu vực, mà kể cả thế giới".
Cần có cái nhìn chính xác hơn về thể thao Việt Nam
|
Trả lời câu hỏi của phóng viên, phải chăng, ngành thể thao đã có sự đầu tư lệch hướng bởi các môn Olympic đều không đoạt vàng. Ông Thành trả lời: “Theo quan điểm phát triển thể thao nói chung, với nền tảng rộng tham gia hoạt động thể thao của nhân dân, quần chúng thì cần phải phát triển hài hòa giữa bộ môn Olympic và không Olympic.
Đoàn thể thao Việt Nam cũng đã đặt một cái mốc để phấn đấu. Quan điểm của lãnh đạo ngành cũng như chỉ đạo của Chính phủ là các VĐV phải quyết tâm vượt qua cái khả năng của chính mình vì biết rằng đấu trường ASIAD là hết sức khốc liệt. Chúng ta cũng vui với những thành công và buồn với những cái chưa thành công. Chúng tôi cũng nghĩ rằng, đó là sự mở đầu để thể thao Việt Nam có cái nhìn nhận thật chính xác hơn vị trí của mình ở đấu trường châu Á.
Thật ra, rút kinh nghiệm từ ASIAD 16, chúng tôi cũng đã có sự chuyển hướng đầu tư. Lần đầu tiên, lãnh đạo Tổng cục TDTT đã đề xuất với lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch cần tập trung đầu tư cho VĐV xuất sắc, trọng điểm. Đây cũng là năm đầu tiên, chúng ta chỉ tập trung một số VĐV giới hạn.
Trên thực tế, cũng đã có các VĐV có thể tiếp cận thành tích châu Á, dù chỉ đạt đến đồng và bạc, nhưng chúng tôi hy vọng đây là những triển vọng trong tương lai".
Ông Thành nói thêm: “Thể thao có một quy luật hết sức rõ ràng: Trình độ phát triển thể thao phụ thuộc vào quy mô phát triển kinh tế của đất nước. Đất nước có nền kinh tế mạnh thì thường có nền thể thao mạnh nhờ nguồn kinh phí dồi dào.
Việt Nam cũng đưa một số VĐV tập huấn ở địa điểm có thể tạo nên cái sự đột phá về mặt thành tích. Tuy nhiên việc chuyển hướng này đòi hỏi thời gian và sắp tới chúng tôi sẽ tính toán lại việc đầu tư sao có hiệu quả hơn nữa.
Việc nói về HCV để đánh giá trình độ phát triển cả một nền thể thao là rất khó. Làm thế nào để biến số lượng thành chất lượng, tức là biến HCB, HCĐ thành HCV thì cần một quá trình mà sắp tới cần phải có những định hướng rõ ràng hơn.
Tôi mong rằng qua ASIAD kỳ này, chúng tôi sẽ tổng kết một trong những yếu tố, đó là sự đóng góp của xã hội, của các doanh nghiệp, cùng với Nhà nước để đầu tư tốt hơn nữa. Tôi hy vọng đây sẽ là một trong những nguồn để giúp thể thao Việt Nam có thể khắc phục được những thiếu sót, yếu kém, chưa thành công hiện nay”.
Sự chấm điểm của trọng tài cũng ảnh hưởng đến Việt Nam Theo ông Thành, 3 kỳ ASIAD 14,15, 16, karate Việt Nam đều có HCV nhưng lần này trắng tay. Đội tuyển đã có sự thay đổi khi thuê chuyên gia Iran mới được 6 tháng. “Võ sĩ Nguyễn Hoàng Ngân tập huấn dài hạn ở bên Nhật. Tuy nhiên, khi ra đấu trường thì đối với môn này là môn cảm tính nên chúng ta cũng thấy rằng cái sự chấm điểm chính xác hoặc không chính xác của trọng tài đã ảnh hưởng rất lớn đến thành tích của các VĐV của chúng ta. Ở nội dung đối kháng của karate - kumite, chủ tịch hội đồng trọng tài là người Malaysia, thì không phải nói là thiên vị, nhưng họ cũng định hướng được rằng Malaysia hôm qua có 2 HCV. Việt Nam cũng có quan hệ rộng, nhưng đối với chúng ta phải rõ ràng và sòng phẳng. Đó là quan hệ trên tinh thần hợp tác, hữu nghị và chân thật. Chúng ta chưa có những động…, dù rằng một số các nước khác cũng đã có những tác động để tạo ưu thế cho nước của họ”. |
Bài, ảnh: Tố Loan
(Incheon Hàn Quốc)
Bình luận (0)