'Big Five' châu Âu than khóc vì Covid-19

Tây Nguyên
Tây Nguyên
26/03/2020 20:58 GMT+7

Châu Âu được coi là cường quốc tài chính bóng đá toàn cầu, nhưng tác động kinh tế từ đại dịch Covid-19 có thể là thảm họa đối với các CLB trên khắp lục địa.

Khi các cầu thủ tại Bayern Munich, một trong những CLB giàu nhất thế giới, đã đồng ý giảm lương (20%), thì không khó để tưởng tượng những rắc rối bắt đầu xảy ra trong môn thể thao “vua” ở châu Âu. Nhiều CLB thiếu dự trữ tiền mặt đủ để đưa họ qua một thời gian mà không có doanh thu do phải ngưng tất cả các hoạt động vì đại dịch Covid-19. Ví dụ ở Scotland, nơi các đội bóng phụ thuộc nhiều vào bán vé, tình hình của các CLB đang rất mong manh.
Đó là quan điểm của chủ tịch CLB Aberdeen, Dave Cormack, người dự báo sẽ phải đối mặt với chi phí 5,9 triệu USD “bốc hơi” mà không có bất kỳ khoản tiền nào đến trong vài tháng tới. "Không có CLB nào, bất kể lớn nhỏ, có thể chịu được tổng thu nhập thiếu hụt trong khoảng thời gian từ ba đến sáu tháng", Cormack nói.

Bóng đá dừng bởi Covid-19, nhiều CLB đang đối mặt với nguy cơ phá sản

AFP

Ngay cả ban tổ chức các giải đấu Đức (DFL) - nơi điều hành Bundesliga và có doanh thu hàng năm hơn 4,3 tỉ USD - đang lo ngại một thảm họa. Christian Seifert, giám đốc điều hành của DFL cho biết: "Nếu chúng tôi không ra sân thi đấu phía sau cánh cửa đóng kín sớm, không có lý do gì để tự hỏi liệu chúng tôi có còn một giải đấu gồm 18 hay 20 đội nữa hay không. Chúng tôi thậm chí sẽ không còn 20 CLB chuyên nghiệp nữa”.
Đã gần hai tuần kể từ khi các giải đấu hàng đầu trên khắp châu Âu dừng lại. Không có trận đấu có nghĩa là không có tiền từ doanh thu bán vé và các khoản thanh toán từ các đài truyền hình sắp tới cũng có thể dừng lại. Tại Anh, theo báo cáo, giải Premier League phải đối mặt với việc mất 762 triệu bảng từ các hợp đồng phát sóng trong nước với Sky Sports và BT Sport.
Phân tích của công ty kiểm toán KPMG cho thấy việc hủy bỏ phần còn lại của mùa giải sẽ tiêu tốn các giải đấu “Big Five” (Anh, Tây Ban Nha, Đức, Ý và Pháp) tổng cộng hơn 4,3 tỉ USD. Do đó, không khó để thấy lý do tại sao các giải đấu sẽ xem xét khởi động lại sau cánh cửa đóng kín, để ít nhất đảm bảo doanh thu từ các đài truyền hình. Nếu không, các CLB sẽ phải tiếp tục trả một khoản lương khổng lồ mà không có thu nhập.
Tại Pháp, một số đội bóng, bao gồm Marseille và Lyon, đã đưa các cầu thủ của họ vào tình trạng thất nghiệp một phần để tiết kiệm tiền. Nó có nghĩa là các CLB chỉ trả cho nhân viên 70% tiền lương của họ. Ở Đức, các cầu thủ tại CLB Borussia Moenchengladbach là những người đầu tiên ở Bundesliga đề xuất cắt giảm lương, tiếp theo là Werder Bremen, Schalke và Borussia Dortmund.

Champions League và cả Europa League đối mặt với nguy cơ hủy mùa giải

AFP

Trong khi đó, Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha đã công bố kế hoạch cho gói 500 triệu euro cho phép các CLB ở hai giải hàng đầu để nhận được khoản vay 20 triệu euro "và trả lại sau 5 hoặc 6 năm". CLB Barcelona vốn là đội có doanh thu lớn nhất trong bóng đá thế giới, nhưng đang trong cuộc đàm phán để có thể cắt giảm lương cho tất cả các cầu thủ lên tới 70%. La Liga cũng đang xem xét giảm 20% tiền lương của cầu thủ nếu mùa giải chưa kết thúc. Các biện pháp tương tự có thể được thực hiện ở Ý. Ở Anh, một số CLB đang yêu cầu thủ chấp nhận trả lương chậm.
Theo AFP, để tránh sự sụp đổ của các giải bóng đá do dịch Covid-19, chính quyền các quốc gia đang xem xét nhiều biện pháp để “giải cứu”. Ở Ý, khả năng đánh thuế các công ty cá cược để trợ cấp cho các CLB đã được xem xét, trong khi ở Đức quy định về cách cấp giấy phép cho các CLB chuyên nghiệp có thể được nới lỏng.
Tuy nhiên, tương lai của bóng đá châu Âu vẫn không chắc chắn khi họ chưa biết bao giờ các giải đấu mới được khởi động lại. Nếu kết thúc mùa giải trước mùa hè, thiệt hại sẽ được hạn chế, nhưng nếu việc “đứng bánh” tiếp tục cho đến tháng 8 hoặc muộn hơn, tác động tài chính có thể dẫn đến thảm hỏa khiến bóng đá trên khắp lục địa này thay đổi mãi mãi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.