Cuộc điều tra đối với 4 phiếu bầu trong cuộc chạy đua giành quyền đăng cai World Cup 2022 đang nằm dưới sự giám sát kỹ lưỡng, theo AFP. Đây là một trong các cuộc điều tra đáng xấu hổ nhất đối với FIFA, vì cái bóng mà họ phủ lên trên giải đấu của mình.
Quyết định trao quyền đăng cai World Cup 2022 cho Qatar, trước các đối thủ sáng giá như Mỹ và Australia vào tháng 12.2010 đã gây nhiều tranh cãi. Chiến thắng của Qatar đã thu hút sự quan tâm của cơ quan tư pháp Mỹ, nơi mà cuộc điều tra đã dẫn đến vụ bắt giữ 7 quan chức cấp cao FIFA ở Zurich (Thụy Sĩ) vào ngày 27.5.2015 vì tham nhũng bản quyền truyền hình trước thời điểm ông Sepp Blatter tái đắc cử chức chủ tịch.
|
FIFA đã điều tra vụ đấu thầu của Qatar. Bộ Tư pháp Mỹ năm nay đã nói rõ rằng họ vẫn còn nghi ngờ. Hệ thống tư pháp Pháp đang điều tra một bữa trưa ngày 23.11.2010 liên quan đến ông Nicolas Sarkozy, lúc đó là tổng thống Pháp, 2 quan chức cấp cao Qatar và Michel Platini, người đứng đầu UEFA, vì nghi án hối lộ “mua” phiếu bầu chạy đua giành quyền đăng cai World Cup 2022.
Trong khi Qatar đang là tâm điểm của sự chú ý, thì cũng có nhiều nghi ngờ về việc trao quyền đăng cai World Cup 2018 cho Nga và World Cup 2010 đến Nam Phi. Hồi tháng 4, Thụy Sĩ đã từ bỏ một phiên tòa xét xử trao quyền đăng cai World Cup 2006 cho Đức vì hết thời hiệu, mặc dù một vụ việc khác vẫn đang chờ xử lý ở Frankfurt về tội trốn thuế.
Hối lộ và bản quyền truyền hình
Bản quyền truyền hình, nguồn thu chính của FIFA, cũng là gốc rễ dẫn đến kiện tụng chính đối với tổ chức quyền lực nhất bóng đá thế giới. Ngoài một loạt án cấm do Ủy ban đạo đức độc lập của FIFA đưa ra, các công tố viên của một số quốc gia đang điều tra cả quyền đăng cai World Cup và giải đấu châu lục.
"FIFAgate" (tên gọi vụ đại án tham nhũng của FIFA), bắt đầu từ vụ bắt giữ vào tháng 5.2015, chủ yếu liên quan đến việc các quan chức ở CONMEBOL (Liên đoàn Bóng đá Nam Mỹ) và CONCACAF (Liên đoàn Bóng đá Bắc Trung Mỹ và Carribbean) nhận hối lộ để trao quyền phát sóng, tiếp thị các giải đấu cấp châu lục. Vì các hành vi phạm tội liên quan đến các công ty Mỹ hoặc được thực hiện một phần trong nước, nên các tòa án Mỹ có thể truy tố.
|
Cựu chủ tịch CONMEBOL Juan Angel Napout (người Paraguay) bị kết án 9 năm tù và cựu chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Brazil, Jose Maria Marin vừa lãnh án 4 năm tù. Jeffrey Webb, người Cayman và từng đứng đầu CONCACAF, đã nhận tội và đồng ý nộp phạt 6,7 triệu USD. Cựu quan chức này đang chờ tuyên án. Một trong những người tiền nhiệm của Webb, Jack Warner, cựu thành viên của ủy ban điều hành FIFA, đã bị truy tố nhưng vẫn ở Trinidad & Tobago nhờ không có ký kết dẫn độ sang Mỹ.
Bản án mới nhất ở Thụy Sĩ không chỉ liên quan đến Valcke mà cả ông chủ người Qatar của kênh beIN Media và CLB Paris Saint-Germain, Nasser Al-Khelaifi. Cả hai đều bị buộc tội "quản lý thiếu minh bạch" và "hối lộ", trong đó Al-Khelaifi được trắng án do công tố viên bỏ cáo buộc khi FIFA rút đơn kiện đối với ông này.
|
Blatter và Platini, lần lượt là cựu chủ tịch FIFA và UEFA, đã bị FIFA cấm vào cuối năm 2015. Họ là đối tượng của một cuộc điều tra kéo dài của Thụy Sĩ vì khoản thanh toán 2 triệu USD từ FIFA cho Platini vào năm 2011 mà Blatter đã chấp thuận mặc dù không có hợp đồng bằng văn bản. Platini coi trường hợp này là một phần của "âm mưu" khiến ông ngừng tranh cử chức chủ tịch FIFA sau khi Blatter từ chức.
Mới nhất, nghi án nhắm đến Infantino, chủ tịch đương nhiệm của FIFA. Ông Infantino được bầu chủ tịch FIFA vào năm 2016 với lời hứa "khôi phục hình ảnh của FIFA". Ông đã phải đối mặt với cuộc điều tra hình sự của Thụy Sĩ kể từ ngày 30.7 vì "lạm dụng quyền hạn", "cản trở thủ tục hình sự".
Quan chức người Thụy Sĩ này bị tình nghi tổ chức 3 cuộc họp bí mật vào năm 2016 và 2017 với Michael Lauber, khi đó là người đứng đầu Văn phòng Công tố viên, làm dấy lên nghi ngờ thông đồng trong các cuộc điều tra đang diễn ra. Lauber đã từ chức vào mùa hè vừa qua. Infantino phản bác cáo buộc, đồng thời nhấn mạnh rằng FIFA là “nạn nhân của quan chức tham nhũng trong kỷ nguyên Blatter.
Bình luận (0)